Tại châu Á, chỉ số USD - Index đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có lúc giảm xuống còn 94,689 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 9-2016. Sau đó, chỉ số này tăng nhẹ lên mức 94,735 điểm, nhưng USD- Index vẫn thấp hơn 7% so với thời điểm đầu năm 2017. Liên quan đến tỷ giá ngoại tệ trong nước, ngày 19-7, khi tỷ giá các đồng ngoại tệ khác như EUR tăng mạnh 49 đồng/EUR (lên mức 26.162 đồng/EUR mua vào và 26.422 đồng/EUR bán ra), thì tỷ giá VND/USD được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 5 - 10 đồng/USD. Cụ thể, giá USD tại Ngân hàng Vietcombank vào cuối giờ chiều giao dịch ở mức 22.695 đồng/USD mua vào và 22.765 đồng/USD bán ra.
Phân tích về việc đồng USD giảm mạnh trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, vì đồng USD đã tăng mạnh lên đến 9% trong vòng 2 năm qua nên đã đến ngưỡng cao và dừng lại.
Bên cạnh đó, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài ra, USD suy yếu cũng do một vài số liệu kinh tế Mỹ kém tích cực. Mặc dù vậy, cũng theo ông Lực, lần tăng lãi suất USD tiếp theo của FED sẽ vào tháng 12-2017 thay vì tháng 9-2017 như dự đoán. Ông Lực dự báo đồng USD sẽ tăng giá trở lại so với các ngoại tệ khác, nhưng không mạnh so với việc giảm giá trong thời gian qua. Riêng về tỷ giá VND/USD trong nước, ông Lực nhận định áp lực tỷ giá sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm, vì áp lực tăng giá đồng USD cùng với áp lực chu kỳ ngoại tệ cuối năm và tín dụng ngoại tệ tăng mạnh. Theo đó, trong năm 2017, VND sẽ mất giá khoảng 2% so với USD.