Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, hạt nano vàng không phải là một nguyên liệu, hay vật liệu mới được phát hiện hay tìm thấy mà từ thế kỷ thứ 19, hạt nano vàng đầu tiên đã được tổng hợp bởi nhà vật lý Faraday.
Tuy nhiên PGS.TS Quảng cũng khẳng định, cho tới nay, các nghiên cứu cho thấy hạt nano vàng chưa được chứng minh có tác dụng khi sử dụng riêng lẻ trong điều trị bệnh ung thư. "Hạt nano vàng không tự phát huy hiệu quả điều trị mà cần tác động của một loại tia đặc biệt có bước sóng phù hợp làm nóng chúng, qua đó để tiêu diệt tế bào"- PGS.TS Quảng cho biết.
Hiện nay, trên thế giới, nano vàng mới được nghiên cứu trên một vài cá thể động vật, chưa nghiên cứu trên người bệnh ung thư nên chưa thể trở thành phương pháp điều trị. Tại Việt Nam, phương pháp sử dụng nano vàng để điều trị hay hỗ trợ điều trị ung thư đều chưa được Bộ Y tế cho phép sử dụng, đồng thời cũng chưa có nghiên cứu về vấn đề này.
Đáng lưu ý, PGS.TS Lê Văn Quảng cảnh báo, việc sử dụng hạt nano vàng tự do để điều trị ung thư có thể gây tích luỹ hạt nano vàng ở các cơ quan quan trọng cơ thể, nhất là ở gan và lách, từ đó gây ra ngộ độc tính cấp tính và mãn tính cho gan cũng như các tạng khác, gây nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí tử vong. Bởi lẽ vàng nguyên chất có tính trơ, rất khó bị đào thải ra khỏi cơ thể nên người uống nano vàng rất dễ dẫn tới tích tụ gây ngộ độc cấp tính và cả mãn tính cho cơ thể.
Do đó, việc dùng nano vàng điều trị ung thư chưa phải là một phương pháp hiệu quả và được cấp phép, cũng như chưa có chứng nhận về y khoa. Các bác sĩ không khuyến cáo người bệnh không tự ý mua nano vàng để điều trị. “Tại Việt Nam và thế giới, hiện nay có thể khẳng định nano vàng không có tên trong danh mục thuốc điều trị ung thư...”- PGS.TS Quảng chỉ rõ.
Theo Bệnh viện K Trung ương, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư. Các loại ung thư phổ biến mà người Việt Nam thường mắc là: phổi, gan, đại trực tràng, vú, cổ tử cung, thực quản, vòm họng, hạch, tuyến tiền liệt. Đáng lưu ý, phần lớn người bệnh bị ung thư tới khám chữa bệnh ở giai đoạn muộn nên việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người mắc ung thư cần phải tới các cơ sở điều trị chuyên khoa để được điều trị bằng các phương pháp chính thống như: phẫu thuật, xạ trị, điều trị đích, điều trị sinh học, điều trị miễn dịch... Tuyệt đối không chữa trị nghe theo những lời mách bảo truyền miệng và đồn thổi. Hơn nữa, với bệnh ung thư nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hiệu quả chữa trị rất khả quan.