Vết thương nhỏ cũng bị uốn ván
Nhập viện trong tình trạng bị đơ cứng hàm, nuốt khó, đau cơ cổ, anh N.V.N. (40 tuổi, ngụ huyện Gò Công, Tiền Giang) kể rằng, trước đó anh có vết thương nhỏ ở mu bàn tay. Tuy vết thương tự lành nhưng anh vẫn bị uốn ván. Hiện anh được dùng thuốc an thần, nếu bị co thắt hay co giật thì phải mở khí quản. Anh cho biết chưa từng tiêm ngừa uốn ván. Bệnh nhân N.V.C. (39 tuổi, ngụ huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng bị cứng hàm, nuốt khó. Bệnh nhân có vết thương ở móng ngón chân do đá trúng thanh sắt. Khi biết bị uốn ván, C. và người nhà rất bất ngờ vì nghĩ đó là vết thương đơn giản. N.V.C. cũng không tiêm ngừa uốn ván.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh uốn ván thường gặp ở lứa tuổi lao động, nhất là người lao động tay chân từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ, do đa số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được tiêm dự phòng uốn ván. Khi mắc uốn ván, triệu chứng đầu tiên và sớm nhất là cứng hàm, cảm giác nuốt khó, sặc. Giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ bị cứng cơ toàn thân, co thắt dẫn đến suy hô hấp. Nếu không nhập viện để được theo dõi và điều trị, bệnh nhân có thể bị co thắt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
“Có đến 12% tỷ lệ bệnh nhân bị uốn ván khi nhập viện hoàn toàn không có vết thương trước đó, 51% vết thương đã lành và 37% còn vết thương. Vì vậy, người dân không được chủ quan, tự xử lý vết thương tại nhà khi chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Chủ động tiêm ngừa phòng bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong phân tích, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh uốn ván tăng là do người dân không chú trọng việc chích ngừa uốn ván. Trong số 186 ca mắc bệnh uốn ván mà BV Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm nay, đa số đều không được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ.
“Chúng ta cần chủ động tiêm ngừa uốn ván chứ không đợi khi có vết thương mới lo xử lý. Tiêm ngừa được coi là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả và rẻ tiền, vì mỗi mũi vaccine ngừa uốn ván chỉ 200.000 - 300.000 đồng. Để tiêm ngừa uốn ván, chúng ta có thể tìm đến BV Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur, hoặc trung tâm y tế dự phòng quận huyện”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện nay tỷ lệ tiêm ngừa uốn ván chậm 15% so với tiến độ cần đạt, trong khi hàng năm tỷ lệ này đạt trên 95%. Do phụ huynh ngại đến nơi đông người vì Covid-19, không đưa con đi tiêm ngừa. Cũng có trường hợp cha mẹ trì hoãn tiêm ngừa vì đợi vaccine dịch vụ.
Để khắc phục tình trạng đó, HCDC đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm bù cho đối tượng chưa được tiêm ngừa đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh rà soát cập nhật mũi tiêm, quản lý và mời trẻ tiêm ngừa. Công tác phòng chống lây nhiễm Covid-19 ở tất cả cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng được đảm bảo an toàn, do vậy, người dân cần chủ động phòng tránh, vì nếu để mắc bệnh uốn ván thì chi phí điều trị rất cao (hiện dao động 15-45 triệu đồng).
Khoảng 10 năm gần đây, số ca uốn ván người lớn nhập viện điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đang có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2005 tổng số ca mắc là 176 ca thì đến năm 2015 là 278 ca. Riêng chỉ 6 tháng đầu năm 2020, nơi đây đã tiếp nhận 186 ca uốn ván, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2019 (165 ca). |