Bắt đầu từ số báo hôm nay 5-8, Báo SGGP lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các tác phẩm tham dự cuộc thi; đồng thời mong nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa của các cây bút trên mọi miền đất nước trong thời gian tới. Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432 - 434 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn, đến hết ngày 1-3-2020.
T’Măng Deeng, hay còn với cái tên quen thuộc hơn là Măng Đen (xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được mệnh danh là “Đà Lạt 2”, một phần nhờ có khu rừng thông trồng đẹp mê hồn. Để có khu rừng thông này, hơn 80 con người đã hy sinh tuổi thanh xuân để cắm bản, hàng ngày đối diện với hiểm nguy từ bom đạn, thú dữ chỉ để làm nhiệm vụ phủ xanh những quả đồi.
Những người hùng thầm lặng
Chúng tôi đến Măng Đen với mong muốn tìm được người đầu tiên trồng những vạt rừng thông xanh vốn đã mang tính biểu tượng ở Măng Đen, nhưng người dân đều lắc đầu, bởi khi chuyển đến ở thì rừng thông này đã có sẵn. Lần dò sang ngành lâm nghiệp địa phương, chúng tôi mới được nghe kể về những công nhân Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông (1979 - 1986), với vị giám đốc duy nhất là ông Nguyễn Như Tạng (hiện đã 82 tuổi, ngụ ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ông Tạng khá bất ngờ khi thấy khách đến nhà hỏi về những người trồng rừng. “Công nhân trồng rừng năm ấy bây giờ đã cao tuổi, mỗi người một nơi. Tôi cứ nghĩ nhiệm vụ đã xong, Măng Đen từ đồi hoang nay được phủ màu xanh của thông thì những người gieo trồng như chúng tôi sẽ rơi vào quên lãng, ai ngờ vẫn còn người nhớ!”, ông Tạng xúc động.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kon Plông, cho biết, Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông trước khi sáp nhập chỉ làm nhiệm vụ trồng rừng. Rừng thông do đơn vị này trồng hiện phát triển rất đẹp. Hàng năm, công ty đến thăm hỏi một số cán bộ xí nghiệp cũ để tri ân họ. Được biết, vào năm 1986, cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông được tặng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất và công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |
Ký ức ùa về, ông Tạng bắt đầu kể về thời điểm lên Măng Đen trồng rừng với niềm tự hào như là chiến công lớn của đời mình. Hồi ấy là năm 1979, ông được điều lên Măng Đen để thành lập Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông với nhiệm vụ là trồng thông trên các quả đồi xung quanh Măng Đen. Đây là khu vực rộng hàng ngàn hécta với hệ sinh vật chủ yếu là cây bụi, sim rừng, một số nơi là đồi trọc. Ngày ấy, Măng Đen rất lạnh và hoang vắng, chỉ lác đác vài bóng người. “Xí nghiệp thành lập ban đầu chỉ có 3 người và chúng tôi phải ở trong những căn nhà tạm với vô vàn thiếu thốn, cơ cực và hiểm nguy”, ông Tạng nhớ lại.
Để thực hiện nhiệm vụ, ông Tạng cùng cộng sự của mình đi khắp nơi để tuyển lựa gần 80 nhân công trồng rừng với điểm chung là tuổi đời còn trẻ và có sức khỏe tốt. Có nhân lực, xí nghiệp bắt đầu phân chia công việc. Người đi chở hạt giống, tốp làm đất, ươm cây con. Ròng rã 9 tháng từ lúc ươm hạt và chăm sóc, đến khi cây giống đủ tiêu chuẩn, không phân biệt chức vụ, độ tuổi, từ giám đốc, kế toán đến đội trưởng, nhân công đều tham gia công việc trồng rừng.
“Người thì lái xe chở cây giống đến chân đồi. Đến nơi thì nhân công bốc xuống rồi vác lên núi để trồng vào hố đã đào sẵn trước khi vun đất lấp lại. Tôi thân là giám đốc nhưng cũng phải gùi cây giống đi trồng. Chỗ gần thì gùi nửa cây số, chỗ xa hơn, xe không đến được thì phải gùi nhiều cây số đường đồi. Đối với những quả đồi cao, dốc thẳng đứng, khi gùi lên đến nơi thì sức cũng kiệt, lúc ấy chỉ biết buông cây giống rồi nằm nghỉ cho lại sức”, ông Tạng nói.
Trong suốt câu chuyện trồng rừng, ông Tạng cứ nhắc đến tên “con Thu” với tất cả sự tự hào. “Con Thu” mà ông nhắc là bà Lê Thị Xuân Thu (nay đã 64 tuổi, ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), một cấp dưới của ông. “Thu nó rất khỏe, lại dai sức. Quả đồi cao hun hút, nhiều người leo lên từng đoạn là ngồi thở hổn hển nhưng nó cứ bước đi nhẹ tênh. Cũng vì nó khỏe nên nó trồng được nhiều thông, lúc nào cũng xếp vào tốp đầu”, ông Tạng nói.
Mang lời khen của ông Tạng kể lại với bà Thu, bà cười nói: “Tôi khỏe có thể do hồi còn ở quê đã quen với việc trèo đèo lội suối”. Cũng như bao công nhân khác, bà Thu tham gia trồng rừng từ lúc còn trẻ với tuổi đời vừa chạm mốc 19. Hồi ấy, bà thấy xí nghiệp tuyển công nhân trồng rừng thì bà đăng ký và được chọn. “Những ngày ở Măng Đen, sáng hì hục đi trồng, đêm về anh chị em sinh hoạt trong các khu nhà ở tập thể. Có bữa cơm không có ăn, phải hái ổi và sim rừng ăn đỡ. Trời thì mưa, ẩm ướt, nên đồi núi toàn vắt, ruồi vàng. Chúng cắn nát cả tay, chân. Rồi có bữa đi trồng rừng mà té ngã từ trên đồi xuống, người bầm dập, cũng may qua khỏi. Những lúc đó, anh chị em như muốn ngã quỵ, nhưng lại nghĩ nhiệm vụ cao cả đang chờ nên chỉ biết tự động viên nhau phải hoàn thành bằng mọi giá”, bà Thu tâm sự.
Tình yêu nảy nở giữa cao nguyên
Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông tồn tại 7 năm thì hoàn thành sứ mệnh, sau đó sáp nhập với các đơn vị khác để thành lập Liên hiệp Xí nghiệp lâm - nông - công nghiệp Kon Plông, sau khi trải qua nhiều lần tách nhập thì thành Công ty Lâm nghiệp Kon Plông như bây giờ. “Trong 7 năm xí nghiệp tồn tại, đơn vị chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là trồng rừng chứ không khai thác. Hàng ngàn hécta rừng thông đã được chúng tôi ươm trồng thành công. Măng Đen lấy đi tuổi thanh xuân của những người trồng rừng, nhưng bù lại, đây cũng là nơi chứng kiến sự kết duyên của họ với hơn 20 cặp đôi nên duyên vợ chồng”, ông Tạng kể.
Một trong các cặp đôi đó là bà Lê Thị Xuân Thu và ông Nguyễn Khắc Quyền (nay 63 tuổi). Nhớ lại thời điểm nên duyên, bà Thu cảm động: “Năm đầu mới lên Măng Đen, tôi chỉ có một mình, cô đơn vô cùng. Tổ trồng rừng bên cạnh thì có ông ấy, hồi ấy ông gầy hom nhưng tính tình tốt bụng. Ổng hay động viên rồi chúng tôi cảm mến nhau lúc nào không hay. Chừng mấy tháng quen biết, ổng ngỏ lời yêu và tôi gật đầu. Do điều kiện khó khăn nên chúng tôi chẳng tổ chức cưới hỏi gì rình rang, chỉ mời toàn bộ công nhân đến nhà tập thể rồi thông báo chính thức nên duyên vợ chồng”.
Trong thời gian trồng rừng, có hai điều khiến công nhân luôn canh cánh lo âu, đầu tiên là nỗi sợ giẫm phải mìn. Ông Hà Hữu Xuân, lái xe Xí nghiệp Lâm nghiệp Kon Plông, góp chuyện: “Khu vực trồng rừng từng bị ảnh hưởng của chiến tranh nên anh em cũng lo còn bom mìn sót lại. Vì thế khi làm đất, đào hố, công nhân tự dặn nhau phải cẩn thận, chỗ nào nghi có mìn là báo cho lãnh đạo để có hướng xử lý. Đến lúc đơn vị mua 100 con bò để cải thiện đời sống và lấy phân bón, công nhân trồng rừng nảy ra sáng kiến là dùng bò để rà mìn. Nghĩa là khi bắt tay trồng rừng ở quả đồi nào thì thả cho bò ăn cỏ ở quả đồi đó trước. Nhờ thế chưa có vụ tai nạn bom mìn nào xảy ra đối với công nhân trồng rừng”.
Nỗi lo thứ hai là thú dữ. Đã không ít lần, tính mạng của công nhân trồng rừng bị đe dọa. Chuyện đã hơn 40 năm nhưng khi nhắc lại cảnh đối diện với hổ dữ, bà Thu còn cảm giác lạnh đến sống lưng. “Khi tôi gùi cây giống lên quả đồi để trồng thì gặp 2 con hổ đang nằm chắn ngang đường. Thấy chúng, tim tôi đập loạn nhịp, còn đôi chân run bần bật. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ mình sẽ bị chúng vồ chết. Tôi thả nhẹ chiếc gùi sau lưng xuống rồi lặng lẽ bước lùi chầm chậm cho đến lúc khuất tầm nhìn của chúng thì ba chân bốn cẳng chạy một mạch về khu tập thể. Chỉ đến khi gặp được anh em đồng nghiệp, tôi mới vỡ òa sung sướng”, bà Thu hồi tưởng.
Tại khu vực Măng Đen, những năm qua, nhiều diện tích rừng thông trồng đã bị chuyển đổi ồ ạt để triển khai các dự án nông nghiệp. Hay chuyện, những người trồng rừng như ông Tạng không khỏi xót xa: “Sau khi về hưu, tôi cũng hay quay lại Măng Đen. Nghe tin rừng thông bị chuyển đổi, anh em ai cũng buồn khi công sức người đi trước không được lưu giữ. Nhưng quan trọng hơn, rừng thông rất quan trọng trong việc giữ cảnh quan, điều hòa khí hậu cho Măng Đen. Măng Đen mà mất rừng thông thì không thể gọi là Măng Đen được, người ta sẽ không lên đây nữa”, ông Tạng bùi ngùi. |