Ước vọng thế giới hòa bình và phát triển

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 29-1 cho biết năm 2021 phải là một năm của những thay đổi để đưa thế giới đi đúng hướng. Điều quan trọng, phải đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Và bây giờ là lúc để đảm bảo hạnh phúc của con người, ổn định các nền kinh tế, xã hội và chính hành tinh.
Đội ngũ y tế Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan
Đội ngũ y tế Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan

Khởi động lại thế giới

TTK LHQ Guterres lưu ý rằng năm 2020 đã trở thành một năm tuyệt vọng khi đại dịch Covid-19 bùng phát tàn phá ở mọi quốc gia và nền kinh tế. Ông nói: “Chúng ta đã mất 2 triệu sinh mạng, trong đó có nhiều thành viên của LHQ”. Đồng thời, ông cho biết thêm thiệt hại về người và kinh tế tiếp tục tăng và số người thất nghiệp đã vượt quá 500 triệu người. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị đang làm xói mòn các nỗ lực vì hòa bình, trong khi nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Guterres nói: “Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và hóa học ngày càng gia tăng. Nhân quyền nhiều nơi đang bị phản ứng dữ dội. Ngôn từ kích động thù địch đang bùng nổ. Hành vi vô luật pháp trên không gian mạng đã tạo ra một lĩnh vực mới cho việc tuyên truyền tội phạm, bạo lực, thông tin sai lệch và gây rối”.

Vì những lẽ đó, TTK LHQ Antonio Guterres tuyên bố khởi động lại thế giới sẽ là ưu tiên của năm 2021 sau một năm loài người đối mặt với đầy hiểm nguy và thảm họa. Ông Guterres đã trình bày trước Đại hội đồng LHQ về những ưu tiên đặt ra cho năm nay.  Đồng thời bày tỏ hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn sau khi các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi.

Ông Guterres khẳng định 2021 phải là năm tăng tốc và đưa thế giới trở lại lộ trình phát triển. Đã đến lúc phải khiến thế giới chuyển đổi từ tình trạng thảm họa sang tiến trình tái thiết, hồi sinh; chuyển từ tuyệt vọng sang hy vọng. Thế giới cần hình dung lại và củng cố cách xử lý những vấn đề cấp thiết toàn cầu bởi đó không chỉ là vấn đề y tế cộng đồng mà còn là vấn đề gìn giữ hòa bình và môi trường.

Nỗ lực vì hòa bình

Trước đó, TTK LHQ Antonio Guterres đồng chủ trì hội nghị trực tuyến cấp cao Quỹ Kiến tạo hòa bình của LHQ (PBF) với một số lãnh đạo các nước. Tham dự hội nghị này có đại diện của 92 quốc gia thành viên LHQ.

Tại hội nghị, các quốc gia thành viên LHQ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như số tiền 439 triệu USD mà 39 nước thành viên đã đóng góp và cam kết đóng góp thời gian qua, nhằm đạt được mục tiêu 1,5 tỷ USD trong chiến lược 2020-2024 của quỹ. Ông Marc-Andre Franche, người phụ trách huy động tài chính cho PBF, được thành lập vào năm 2006, nêu rõ: “Mục tiêu là huy động 1,5 tỷ USD trong 5 năm 2020-2024”.

Theo ông Guterres, sự đóng góp của tất cả nước thành viên và đối tác sẽ tạo ra đột phá lớn và phát đi tín hiệu rằng cộng đồng quốc tế có thể cùng nhau đầu tư thành công cho việc kiến tạo và duy trì hòa bình. Do đó, TTK LHQ hối thúc những nước chưa đóng góp, đặc biệt các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, đóng góp vào công cụ thiết yếu của toàn cầu vì mục đích bảo đảm hòa bình này. Trong 3 năm qua, PBF đã tài trợ cho các hoạt động tại 51 quốc gia thuộc các khu vực như Sahel, Trung Á, Trung Mỹ và Balkan, với tổng số tiền 356 triệu USD. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố Đức sẽ đóng góp ít nhất 50 triệu EUR (60,8 triệu USD) trong 2 năm tới. Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere cho biết nước này sẽ tăng gấp 4 lần mức đóng góp để đạt 4,5 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục