* TS HOÀNG NGỌC VINH, Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021:
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Năm Nhâm Dần, nối tiếp những thành công của năm Tân Sửu và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu vừa chống dịch vừa học tập, cả nước sẽ lại bắt đầu triển khai thực hiện các chiến lược phát triển GD-ĐT theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng GD-ĐT gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KH-CN, đổi mới sáng tạo.
Điểm sáng đầu tiên đáng chú ý là học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung từ ngày 7-2 và ngày 14-2 sau thời gian dài thực hiện giãn cách. Bên cạnh chất lượng giáo dục phổ thông là nền tảng cho nhân lực chất lượng cao, chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân lực cũng sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá.
Về giáo dục nghề nghiệp, sẽ ưu tiên chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao nên bằng mọi cách giảm nhanh tỷ lệ lao động thiếu (hoặc không có) kỹ năng, nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có. Với giáo dục đại học, bên cạnh những thách thức thì cũng có nhiều cơ hội và kỳ vọng với quyết tâm đổi mới, phát huy tinh thần tự chủ và đổi mới sáng tạo.
Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật số 34 cũng đã có hiệu lực, là cơ sở pháp lý quan trọng để các trường mạnh dạn phát huy tinh thần tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập với khu vực và quốc tế. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cơ chế, chính sách quản lý ở tầm vĩ mô sẽ từng bước được hoàn thiện, đồng bộ để các cơ sở đào tạo có cơ hội bứt phá về chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
* TS TRẦN HẢI LINH, kiều bào Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA):
Cùng quê hương phục hồi và phát triển
Bước sang năm 2022 với nhiều niềm tin và hy vọng, tôi mong TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được chăm lo tốt hơn và dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt. Tôi tin tưởng TPHCM sẽ có bước “tăng tốc”, “vượt chướng ngại vật” để phát triển mạnh mẽ, bù đắp lại những tác động từ Covid-19, như mong muốn của lãnh đạo và người dân thành phố.
Với trách nhiệm của mình, từ khi có dịch Covid-19 xảy ra, VKBIA đã sát cánh TPHCM và đất nước vượt qua đại dịch. Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục đồng hành đất nước và TPHCM trong giai đoạn bình thường mới. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia, trí thức Việt Nam - Hàn Quốc; giao lưu, hợp tác và phát triển với các hiệp hội, các cơ quan tổ chức giữa Hàn Quốc và Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, cùng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục… góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.
Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tăng cường sự kết nối giao thương, tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng thích nghi mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 còn nhiều phức tạp; đồng thời cam kết đồng hành và là “cánh tay nối dài” cùng Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng hồi phục và phát triển kinh tế.
* Ông TRẦN CÔNG ĐOÀN, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Trường Thành:
Nên lập “Chương trình bình ổn lãi suất”
Công ty chúng tôi là một trong những nhà cung cấp tôn thép hàng đầu cho ngành xây dựng và chế tạo công nghiệp. Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, doanh số giảm đáng kể. Năm 2022, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi, chúng tôi hy vọng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Với doanh số bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 20%-25%/năm, nhằm bù đắp cho thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trở lại sau đại dịch, điều kiện tiên quyết cần có là tài chính đủ mạnh.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính và lãi suất cho doanh nghiệp khó khăn để cùng vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nên chăng, thiết lập “Chương trình bình ổn lãi suất” cho những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu như Chương trình bình ổn thị trường mà TPHCM đang triển khai thời gian qua đã đem lại hiệu quả rất thiết thực cho người tiêu dùng.
* Ông Hồ MINH HOÀNG, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả:
Tháo gỡ cơ chế để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam
Năm 2021 đầy dông bão đối với doanh nghiệp, nhưng với sứ mệnh “góp phần mang lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho người dân”, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực ghi dấu ấn ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế về hạ tầng giao thông… Có thể kể đến những công trình mà đơn vị hoàn thành năm qua như: cầu Tình Yêu bắc ngang vịnh Cửa Lục, hầm xuyên núi trong dự án đường bao biển tại Quảng Ninh, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bước sang năm 2022, chúng tôi hy vọng đại dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, xã hội trở lại nhịp sống bình thường mới. Đối với hạ tầng giao thông, chúng tôi mong Chính phủ tạo cơ chế liên thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia, đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Chính phủ đặt ra đến năm 2030. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy mô hình PPP được vận dụng với chiến lược “con đường vàng tạo ra giá trị vàng”, làm rõ việc đầu tư hạ tầng giao thông gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp. Các dự án hạ tầng giao thông hình thành sẽ gắn liền với logistics, trạm dừng nghỉ, dịch vụ y tế chuyên sâu…
* Ca sĩ QUỐC ĐẠI:
Cùng nỗ lực vực dậy nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà
Là một người luôn sống lạc quan và tích cực, tôi cho rằng, thời gian qua, khi lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh cũng chính là lúc mỗi nghệ sĩ nhìn lại những gì đã làm để chúng ta tiếp tục hoàn thành những kế hoạch dở dang một cách hoàn chỉnh nhất. Mong rằng, sản phẩm của các nghệ sĩ sau này sẽ có nhiều năng lượng tích cực hơn về cuộc sống.
Lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã có sự hồi sinh tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát, như Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc diễn ra thành công tại TPHCM với rất nhiều vở diễn của đạo diễn trẻ, phản ánh đúng tình hình xã hội. Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động của các sân khấu, cùng nhiều bộ phim được ra mắt trong những ngày đầu năm Nhâm Dần…
Tôi và các nghệ sĩ khác luôn tin rằng, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật TPHCM và cả nước trong năm nay sẽ có chuyển biến thật mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn trong và ngoài nước. Sau niềm vui hồi sinh, chắc chắc là nỗ lực không ngừng của các nghệ sĩ để cùng vực dậy nền nghệ thuật nước nhà.