Hiện thực hóa giấc mơ
Tốt nghiệp đại học và từng làm việc ở TPHCM suốt 7 năm, khi trở về quê dạy học (Trường THPT Lạc Nghiệp, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), Phan Diệu Linh nhìn thấy sự đối lập dư thừa vật chất ở chốn phồn hoa và vùng quê nghèo. Do vậy, cứ mỗi khi tết đến, cô đứng ra vận động quyên góp hàng, quà, vật dụng của người thành thị mang về núi, tổ chức chia sẻ lại cho bà con dân tộc thiểu số. Sau hội chợ 0 đồng lần thứ 13 - Tết 2020, mạnh thường quân đóng góp cho Linh được 5 triệu đồng. Linh quyết định thử dùng hết số tiền này để hiện thực hóa giấc mơ “Vườn ở khắp nơi”.
Tháng 2-2020, Linh lên Facebook viết một dòng trạng thái, với nội dung cho tặng miễn phí cây giống các loại, ai cần cây gì thì đăng ký vào. “Không ngờ có nhiều người đăng ký, và mình thừa thắng xông lên luôn! Do chưa có kinh nghiệm nên mình mua cây giống khá đắt. Mai anh đào bây giờ chỉ 10.000 đồng một cây, nhưng hồi đó Linh mua 40.000 đồng một cây. Có người muốn tặng cây lựu, mình cũng ráng mua, dù giá đến 300.000 đồng/cây, để tặng họ”, Phan Diệu Linh chia sẻ về ngày đầu triển khai “dự án”. Lần đó, Linh thực hiện cho tặng được tròn 50 cây, chủ yếu là các chủng loại bản địa như mai anh đào, thông, tùng và một số cây hoa. Nhiều người biết Linh cho tặng cây giống, đã liên hệ xin về trồng trên vườn nhà. Một số bạn bè ủng hộ Linh bằng cách góp quỹ mua cây giống.
Theo Phan Diệu Linh, có một đặc điểm là đa số những người xin cây không phải là người nghèo, trái lại phần lớn có điều kiện kinh tế. Tuy vậy, cô chỉ nhận một số tiền vừa phải, phù hợp với số lượng cây có thể trồng. Có những lúc cây đang còn nhiều, chưa cho đi trồng kịp, mà có người ngỏ ý muốn ủng hộ kinh phí thì Linh từ chối. Chỉ 2 tháng sau khi triển khai chương trình, số cây giống Linh trao đến các vườn đạt 675 cây. Do đã tìm được các điểm bán cây giống giá rẻ và một phần tự ươm được, cô cho đi một cách hào phóng hơn.
Linh chia sẻ: “Có những lúc cây về nhiều, mình khuyến khích chủ vườn nhận trồng càng nhiều cây càng tốt. Đầu tiên, chỉ các đơn vị trường học, đoàn thanh niên, nhà chùa xin số lượng lớn, thường là khoảng 300 cây một đợt. Sau này thì cá nhân hay các nhóm cộng đồng có vườn rộng cũng xin mỗi nơi vài chục đến vài trăm cây. Một số người xin để trồng cho cả xóm hoặc trồng nguyên một tuyến đường”.
Nhận thấy việc làm hết sức ý nghĩa của Phan Diệu Linh, rất nhiều người đã kết nối người cho với người nhận, để cây xanh lan tỏa khắp mọi nơi. Anh Trần Minh Thoan (ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), sau khi xin mai anh đào và thông ba lá về trồng vườn nhà, đã kết nối cho xóm mình xin từ Phan Diệu Linh thêm 300 cây (gồm mai anh đào, phượng tím, thông), phủ xanh cụm dân cư. “Trước khi biết chị Linh và chương trình “Vườn ở khắp nơi” của chị, tôi cũng đã mua nhiều cây về trồng trên vườn mình, khá là tốn kém. Được sự tài trợ cây giống của chị Linh, tôi đã giúp hàng xóm đồng lòng thực hiện mục tiêu phủ xanh 4,2ha nơi mình sinh sống”, Trần Minh Thoan cho biết.
Vườn đã ở khắp nơi
“Linh thường xuyên nhận được cuộc hẹn 3 năm, 5 năm từ các anh chị chủ vườn. Mới trồng xong là họ chụp hình gửi Linh xem liền. Ai cũng rất vui khi trông chờ và nhìn thấy thực tế cây lớn lên từng ngày. 3 đến 5 năm nữa, khi cây trưởng thành và trổ hoa, sẽ còn vui hơn nữa. Mình không trồng, không chăm sóc nhưng thật là vui khi hình dung đến những khu vườn xanh mướt ở khắp nơi”, Phan Diệu Linh háo hức khi nói về hàng ngàn cây xanh đã được trồng khắp các vườn, từ Đà Lạt xuống các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh…
Chỉ với 30 triệu đồng từ đóng góp của bạn bè và một số chủ vườn ủng hộ, hoạt động “Vườn ở khắp nơi” đã trồng thành công 3.000 cây xanh trong năm 2020. Hoạt động đã giúp nhiều người có điều kiện để xanh hóa nơi mình sinh sống và lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây. Hiện Linh đang tạm dừng chương trình vì địa phương bước vào mùa khô, không thuận lợi cho việc chăm sóc cây. Tuy nhiên, trong khi đợi mùa mưa mới, Linh lại đang lên kế hoạch “xanh hóa” hội chợ “Chung tay đón Tết” năm nay. Theo đó, thay vì tổ chức cho tặng quà, vật dụng, thực phẩm như mọi năm, hội chợ sẽ chuyển sang cho tặng hạt giống và cây giống. Hoạt động của Phan Diệu Linh đã vượt ra khỏi ý nghĩ giới hạn là phải sở hữu vườn mới trồng cây, hay là chỉ trồng cây trên đất nhà mình. Với một người có tinh thần cống hiến vì môi trường chung, cây được trồng ở đâu thì cũng tạo ra niềm vui và giá trị như nhau.
Qua gần một năm thực hiện thành công giấc mơ “Vườn ở khắp nơi”, Linh đang lên ý tưởng để cho tặng, phát triển không chỉ cây tạo mảng xanh, cảnh quan mà còn trồng các loại cây ăn quả và cây có giá trị dược liệu. “Nếu Đồng Nai trồng chôm chôm, nhãn; Vĩnh Long trồng bưởi, cam; Lâm Đồng trồng bơ, chuối, mít, ổi… trên đất công cộng, dọc đường hay bìa rừng, thì con nít, dân địa phương và du khách có thể hái ăn miễn phí thoải mái mà không phải là… ăn trộm! Linh hình dung, nếu tỉnh nào, huyện nào cũng hào phóng trồng đủ loại cây ở khắp nơi, thì đất nước chúng ta thật trù phú và giàu có biết bao”, Phan Diệu Linh xúc động với ý tưởng tốt đẹp đang ngày một hiện ra rõ ràng.
“Sau đợt lũ kinh hoàng năm rồi, Thủ tướng chỉ đạo cả nước trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Theo Linh thì điều này thật dễ dàng, không có gì là khó khăn cả. Nếu ở mỗi địa phương đều có người làm câu chuyện như Linh đang làm thì cây xanh sẽ mọc lên mỗi ngày, ở khắp nơi nơi”, Phan Diệu Linh lạc quan.
Khi còn sống, bà nội Linh dặn con cháu cứ trồng cây ăn trái ở bất cứ chỗ nào có đất, ai ăn được thì ăn chứ không lo mất trộm. Khi bà mất vào năm 2005, Linh đã cùng người thân tổ chức trồng mỗi người một cây để tưởng nhớ bà. Thỉnh thoảng gia đình vẫn tổ chức trồng thêm vào ngày giỗ. Linh chia sẻ với bạn bè ý tưởng rằng, hễ trong gia đình có một sự kiện gì đó thì cũng nên tổ chức trồng một đợt cây xanh. Ví dụ như ngày cưới, kỷ niệm ngày cưới, ngày sinh nhật… “Một bạn nữ của Linh sau khi sinh con đã gửi Linh 1 triệu đồng nhờ mua cây xanh tặng bất kỳ ai. Cô ấy nhắn Linh là cô cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi con mình vừa ra đời đã đồng hành với một việc làm tốt đẹp. Mai này con lớn, cả gia đình bạn ấy sẽ đi thăm vườn cây được trồng từ sự kiện con chào đời”, Phan Diệu Linh kể. |