Chạy ăn từng bữa
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông bà ngoại Gia - nơi cha mẹ và anh em của Gia đang sống nhờ - tại thôn Phước Đồng 1, xã Phước Hậu (huyện Tuy Phước, tỉnh Ninh Thuận). Căn nhà nhỏ là nơi trú ngụ của 9 người, hầu hết các vật dụng trong nhà đều là những sản phẩm mà mẹ của Gia (bà Lâm Thị Thoại) tận dụng sau những chuyến đi mua ve chai về. Dù thiếu thốn về vật chất nhưng căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười.
Nghỉ một buổi đi làm mướn để tiếp chúng tôi, ông Lưu Tấn Đứng (cha của Gia) cho biết 2 vợ chồng ông sinh được 6 người con, Gia là anh cả. Do không có ruộng rẫy nên cuộc sống của cả gia đình Gia phụ thuộc hoàn toàn vào công việc đi làm mướn của cha và nghề đi thu mua ve chai của mẹ. Hiện ông Đứng đang làm thuê cho một công ty cách nhà hơn 20km, còn mẹ của Gia vẫn bám với nghề thu mua ve chai đã hơn 17 năm nay.
Bà Thoại tâm sự: “Mỗi ngày, chồng tôi thu nhập được khoảng 200.000 đồng, trừ chi phí tiền xăng, ăn trưa thì không còn được bao nhiêu. Còn tôi thì đi mua ve chai quanh xóm, do đây là vùng nông thôn, cuộc sống còn nghèo khó nên không có nhiều thứ để thu mua. Hôm nào may mắn thì tôi kiếm được 100.000 đồng, có hôm thì về không”.
Theo UBND xã Phước Hậu, gia đình của Gia thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhắc đến gia đình người dân tộc Chăm này ai ai cũng tỏ ra khâm phục, vì dù nghèo khó nhưng tất cả 6 người con của anh Đứng đều học rất giỏi và rất ngoan ngoãn.
Vượt lên hoàn cảnh
Gia và các em của mình không bao giờ đua đòi, quậy phá mà chỉ chú tâm vào việc học hành; thời gian rảnh trong dịp hè, ngày lễ tết thì đi làm mướn phụ cha mẹ. Nhắc về Gia, ánh mắt của cha mẹ cậu sinh viên này luôn ánh lên niềm tự hào.
Chạy vào trong nhà lấy cuốn album, nơi lưu giữ tất cả những tờ giấy khen mà Gia và các em của mình đạt được trong các năm học, bà Thoại cho biết: “Đây là tài sản mà tôi quý nhất. Cuốn album đựng giấy khen mỗi năm một dày lên là động lực để vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để cho các con ăn học đàng hoàng, sau này có nghề nghiệp ổn định, không phải khổ cực như cha mẹ của chúng”.
Thế rồi, Gia đậu Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ngày biết tin con mình đậu đại học, vợ chồng ông Đứng vừa mừng vừa lo. Ngày bước chân lên xe vào TPHCM nhập học, Gia chỉ có 2 bịch quần áo cũ mà người anh họ cho và số tiền vài triệu đồng cha mẹ mới đi vay mượn được.
Nhắc về cậu học trò của mình, thầy Quảng Anh Tùng, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Gia ở Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ninh Phước), cho biết: “Suốt 12 năm học, Gia luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến hoặc giỏi. Đặc biệt, năm lớp 12, Gia là học sinh giỏi toàn diện. Cậu học trò này dù gia cảnh khó khăn nhưng có tính tự lập cao, luôn chủ động trong việc học và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp”.
Đáp lại những tình cảm của mọi người, Gia cho biết: “Em sẽ cố gắng học tập để không phụ công cha mẹ, thầy cô, trở thành bác sĩ để giúp đỡ những người nghèo chữa bệnh. Hiện tại, em gắng làm sao giúp đỡ được cha mẹ, để cuối năm nay 2 người em gái sinh đôi của em sẽ được đi học đại học như em”.