Unilever, câu chuyện tiêu biểu về đa dạng hóa sản phẩm

Ngay sau Tết Nguyên Đán năm 2008, Unilever Việt Nam khai trương trụ sở mới có tên là tòa nhà UNILEVER trên đường Nguyễn Lương Bằng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7. Trụ sở mới là ngôi nhà chung cho hơn 500 nhân viên Unilever đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng trụ sở mới đánh đấu bước phát triển của Unilever sau hơn 12 năm có mặt tại Việt Nam, nơi công ty đa quốc gia này hoạt động với khẩu hiệu “Unilever tự hào lớn mạnh cùng Việt Nam” và đã đạt được nhiều thành công.

Unilever, câu chuyện tiêu biểu về đa dạng hóa sản phẩm ảnh 1

Pond’s Nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng của Unilever

Trên thế giới, Tập đoàn Unilever là nhà sản xuất thực phẩm và các sản phẩm giữ vệ sinh cho người và vật dụng hàng đầu. Unilever ra đời năm 1930 từ sự sáp nhập 2 công ty là Lever Brothers (công ty sản xuất xà bông của Anh) và Margarine Unie (sản xuất bơ thực vật của Hà Lan).

Thống kê cho thấy con số nhân viên tập đoàn toàn thế giới năm 2008 là 174.000 người. Trụ sở chính hiện nay đặt tại hai nơi là Luân Đôn (Anh) và Rotterdam (Hà Lan), cổ phiếu cũng được niêm yết ở cả thị trường chứng khoán Luân Đôn và Rotterdam. Dù mang tên khác nhau nhưng hai công ty có cùng giám đốc và hoạt động theo mô hình 1 công ty.

Uniliver sở hữu rất nhiều thương hiệu. Một số trong thực phẩm và đồ uống là Flora, Doriana, Rama, Wall, Amora, Knorr, Lipton và Slim Fast. Các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cơ thể gồm Axe, Dove, Lifebuoy, Lux, Pond’s, Rexona, Close-up, Sunsilk và Vaseline. Các sản phẩm cho quần áo và các đồ vật trong nhà thì có Comfort, Omo, Radiant, Sunlight, Surf… 

Tập đoàn này đã phải trải qua nhiều năm để sở hữu nhiều thương hiệu như thế. Ví dụ, năm 1972, tập đoàn mua lại chuỗi nhà hàng A&W ở Canada. Năm 1984, hãng mua lại thương hiệu Brooke Bond của nhà sản xuất trà PG Tips.

Năm 1987, Unilever tăng cường sức mạnh trong thị trường chăm sóc da bằng việc mua lại Chesebrough-Ponds (nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc da như Ragú, Pond’s, Aqua-Net, Cutex Nail Polish, Vaseline, và kem đánh răng Pepsodent). Hai năm sau, Unilever tiếp tục mua lại mỹ phẩm Calvin Klein, Fabergé và Elizabeth Arden, nhưng rồi lại bán Elizabeth Arden cho FFI Fragrances vào năm 2000.

Unilever, câu chuyện tiêu biểu về đa dạng hóa sản phẩm ảnh 2

Năm 1996, Unilever mua Công ty Helene Curtis Industries để tăng cường sự hiện diện trong thị trường dầu gội đầu và sản phẩm khử mùi cơ thể ở Mỹ.

Với thương vụ này, Unilever sở hữu Suave và Finesse, hai dòng sản phẩm chăm sóc tóc, và nhãn hiệu sản phẩm khử mùi Degree. Năm 2000, Unilever thâu tóm Công ty Best Foods của Mỹ để bắt đầu nhảy vào lĩnh vực thực phẩm và đồng thời đẩy mạnh hoạt động trong khu vực Bắc Mỹ.

Cũng năm đó, vào cùng một ngày trong tháng 4, Unilever mua một lúc hai công ty là Ben & Jerry’s (với loại kem nổi tiếng cùng tên) và Slim Fast.

Một điều đáng lưu ý trong chiến lược kinh doanh của Unilever là gần đây tập đoàn đa quốc gia này đã khởi động một kế hoạch 5 năm, trong đó họ bắt đầu nhập bộ phận marketing của nhiều công ty con trong các lĩnh vực khác nhau về cùng một mối để phát huy sức mạnh tổng hợp.

Theo các chuyên gia, lý do thực hiện kế hoạch này là vì những nhãn hàng của Unilever chưa hiện diện rõ trong mắt người tiêu dùng nói chung, dù một số nhãn hiệu đó chưa có đối thủ cạnh tranh.

Một phần khác trong chiến lược kinh doanh của Unilever là bảo đảm nguồn cung bền vững. Năm 1998, tập đoàn bắt đầu chương trình nông nghiệp bền vững. Qua gần 10 năm thực hiện, năm ngoái Unilever đã trở thành công ty trà đầu tiên cam kết sử dụng nhiên liệu trà từ những nguồn bền vững. Họ nhờ Rainforest Alliance - một tổ chức phi chính phủ về môi trường, xét cấp chứng nhận cho các trang trại trà ở Đông Phi.

Tập đoàn cho biết mục tiêu đến 2010, tất cả các túi trà Lipton nhãn vàng (ảnh phải) và trà PG Tips bán ở Tây Âu đều được chứng nhận như vậy, và tiếp tục như thế vào năm 2015 đối với toàn bộ trà Lipton bán toàn cầu.

TƯỜNG THỤY tổng hợp

Tin cùng chuyên mục