Xây dựng khả năng phục hồi
Cuộc tranh luận chung vẫn là sự kiện thường niên nổi bật nhất của LHQ với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng phiên họp mới của UNGA76 bắt đầu vào ngày 15-9 - một tuần trước cuộc tranh luận - vì Chủ tịch UNGA mới là Tổng thống Abdulla Shahid của Maldives được bầu thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Volkan Bozkir của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông A.Shadid đã đưa ra chủ đề cho phiên họp: “Xây dựng khả năng phục hồi thông qua hy vọng” với nội dung chính phục hồi sau Covid-19, xây dựng lại tính bền vững, đáp ứng các nhu cầu của hành tinh, tôn trọng quyền của con người…
UNGA cũng sẽ bổ nhiệm các viên chức cho 6 ủy ban chính: Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế; Kinh tế và Tài chính; Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa; Chính trị và Phi thực dân hóa; Hành chính và Ngân sách; Pháp lý. Cuối cùng, hội đồng sẽ thông qua chương trình nghị sự ban đầu trong năm, gồm các cuộc họp đã lên kế hoạch, sự chấp thuận trong tương lai của các thành viên UNSC, thành viên của Hội đồng Nhân quyền và phê duyệt ngân sách.
Năm ngoái, bất chấp đại dịch, UNGA đã tổ chức 103 cuộc họp toàn thành viên - và thông qua 320 nghị quyết. Năm nay, LHQ cho biết đã có 83 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ hoặc các đại diện hàng đầu khác dự kiến trực tiếp phát biểu (bắt đầu vào ngày 21-9), trong khi 23 người khác đã nộp đơn xin thực hiện các bài phát biểu được ghi âm trước.
Xóa bỏ khoảng cách
Trong phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres nhấn mạnh, thế giới phải tập trung chống đại dịch, kẻ thù chung của loài người, cần tăng tốc chiến đấu với dịch hiệu quả hơn bằng cách cung cấp vaccine, thiết bị y tế và phác đồ điều trị cho tất cả mọi người trên thế giới.
Ông cũng khẳng định mong muốn các nước hãy cam kết và giữ cam kết với những mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow sắp tới.
Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên khắp hành tinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thế giới có quá nhiều thách thức và chia rẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa một bộ phận những người có tất cả điều kiện vật chất tốt nhất và cộng đồng những người không có được những điều kiện sống cơ bản nhất như thức ăn, nước uống và dịch vụ y tế.
Ông đề cập nhiều trẻ em còn chưa có cơ hội đến trường, chưa được phát triển kỹ năng để có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai cũng chính bởi rào cản đói nghèo hoặc bất bình đẳng giới.
Đặc biệt, ông A.Guterres nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vaccine Covid-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.
Ông chỉ ra rằng, chính tư tưởng muốn thống trị về chính trị là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội, gây mất lòng tin, là nguyên nhân gây ra khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Tuy nhiên, những thách thức này hoàn toàn có thể hóa giải nếu các nước thành viên LHQ cùng đoàn kết hợp tác trên tinh thần của chủ nghĩa đa phương.
Tổng Thư ký A.Guterres cũng nhấn mạnh thế giới cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà LHQ đã đề ra, nhất là trong bối cảnh nhiều thành tựu về phát triển của thế giới đã bị đẩy lùi ngược lại khá nhiều do đại dịch Covid-19.
Ông cũng không quên kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tái cam kết theo đuổi những giá trị cốt lõi mà LHQ đã khởi xướng ngay từ những ngày đầu tiên tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh được thành lập.