Tại Việt Nam, chưa đầy 10 năm trở lại đây đã có 3 lần xây dựng, sửa đổi và cải thiện khung pháp lý hình thức đầu tư Đối tác công - tư (PPP). Văn bản pháp quy đầu tiên về vấn đề này là Quyết định 71/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm hình thức PPP tại Việt Nam, song song với cơ chế BOT theo Nghị định 108/2009. Tiếp đó, Nghị định 15/2015 được ban hành thay thế cho cả Quyết định 71/2010 và Nghị định 108/2009, BOT cũng trở thành một hình thức PPP. Gần đây nhất, Nghị định 63/2018 được ban hành thay thế cho Nghị định 15/2015. Với Nghị định 63, các quy định về hình thức PPP đã kết hợp và điều chỉnh tất cả các hình thức dự án nhượng quyền khai thác, nhưng không tạo ra sự khác biệt nào giữa các cấu trúc dự án khác nhau hoặc các nguồn tài chính cần thiết cho các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, cho đến nay trên cả nước mới chỉ có 336 dự án PPP được triển khai, chủ yếu thuộc các lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý môi trường. Đáng lưu ý là các nhà đầu tư nước ngoài tuy rất quan tâm, nhưng lại không mấy mặn mà với việc rót vốn vào các dự án loại này. Chia sẻ về lý do, nhóm công tác về cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, với cơ chế hiện nay, các nhà đầu tư dự án không có cơ hội hoặc không được hướng dẫn đàm phán các cơ chế phân bổ rủi ro phù hợp trong từng lĩnh vực. Các hình thức hỗ trợ mới của Chính phủ hầu như chưa được thực hiện, do bị ràng buộc bởi các quy định về sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công. Cũng không có hướng dẫn về hỗ trợ kinh phí chuẩn bị các đề xuất dự án PPP, khiến cho không nhiều doanh nghiệp hào hứng chuẩn bị đề xuất.
Như vậy, cần có sự phân biệt giữa nguồn vốn và cách thức sử dụng nguồn vốn, không nên máy móc áp dụng các thủ tục theo Luật Đầu tư công. Để tránh được sự chồng chéo về ngân sách nhà nước và vốn nhà nước, sự tham gia của Nhà nước trong phần vốn chủ sở hữu của một dự án PPP nên được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình góp ý xây dựng dự án luật về PPP, các nhà đầu tư cho biết, họ đặc biệt quan tâm đến việc bảo lãnh và cam kết của Chính phủ phù hợp với yêu cầu cho các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, bảo lãnh doanh thu tối thiểu có ý nghĩa quan trọng giúp cho một dự án giao thông trở nên “hấp dẫn”, trong khi bảo lãnh nghĩa vụ bao tiêu, khoản thanh toán chấm dứt và nguồn cung ngoại tệ có ý nghĩa quan trọng để một dự án điện có khả năng huy động vốn… Bên cạnh đó, một cơ chế bảo vệ pháp luật hiệu quả hơn có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Các nhà đầu tư cũng góp ý, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần ý thức rõ rằng các dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, không phải là dự án của Chính phủ. Vai trò của Nhà nước trong quá trình thực thi các dự án này là định hướng, tạo điều kiện và giám sát hành vi của tất cả các bên tham gia (trong đó có doanh nghiệp nhà nước). Về phía người thụ hưởng các dự án PPP, cần hiểu rõ họ sẽ phải trả một mức phí hợp lý cho các dịch vụ có chất lượng cao hơn (mà trước đó được Nhà nước cung cấp với chi phí thấp hoặc miễn phí).
Theo Phó Chủ tịch EuroCham Tomaso Andreatta, EuroCham đã đề xuất tới… 109 kiến nghị hoàn thiện Luật Đầu tư PPP. Điều này cho thấy sự quan tâm thực sự của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và mong muốn của họ về việc được giải tỏa những vướng mắc bấy lâu để mạnh dạn dốc vốn đầu tư. Hơn thế, một đạo luật phù hợp, được ban hành kịp thời còn góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy, lâu dài giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường - tiền đề quan trọng cho hợp tác và phát triển nói chung, chứ không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.