Vậy là đúng thời điểm 10 năm sau khi được tổ chức Guinness thế giới công nhận là “Bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới”, công trình đã bị phá hủy 600m/4.000m trong một dự án mở rộng giao thông. Không chỉ nhóm tác giả, các họa sĩ trong nước và quốc tế - những người đã miệt mài sáng tạo, lắp ghép từng chi tiết, mảnh gốm nhỏ để hình thành nên công trình nghệ thuật công cộng cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối mà đó còn là tâm trạng chung của người dân đã từng đi qua và chứng kiến sự hình thành của tác phẩm này suốt bao năm qua.
Được khởi công từ năm 2007, “Con đường gốm sứ” là một chuỗi những bức tranh gốm sứ gắn dọc thân đê sông Hồng với chiều dài gần 4.000m và diện tích gần 7.000m2. Tại đó, người ta có thể chứng kiến hàng trăm bức tranh với những chủ đề rất đa dạng và phong phú. Cho tới khi được gắn biển là Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và được công nhận kỷ lục thế giới năm 2010, công trình ghi nhận sự tham gia của 35 họa sĩ đến từ nhiều nước và Việt Nam. Công trình này cũng nhận được sự chung tay của nhiều tổ chức quốc tế: UNESCO, UNDP… Đó là chưa kể sự chung tay góp sức của bao tình nguyện viên theo sát dự án từ những ngày đầu tiên.
Để dựng lên một công trình nghệ thuật không phải chuyện một sớm một chiều, không phải chỉ là công, là của, là sáng tạo, trí tuệ của một vài người mà là cả một tập thể. Song tất cả những con số khổng lồ ấy lại tỷ lệ nghịch với việc phá bỏ. Truyền thông bất ngờ. Tác giả của công trình chỉ nhận được cú điện thoại thông báo còn cơ quan được giao quản lý công trình khi được hỏi cũng chưa biết thực hư thế nào…
Kiểu ứng xử với nghệ thuật giống như bao công trình xây dựng đơn thuần và đẩy sự việc theo kiểu “sự đã rồi” quả thực là không mới nhưng những người biết gìn giữ, trân quý những giá trị nghệ thuật thì sao có thể quen được với cách hành xử như thế. Chuyện xưa nhắc lại như thêm một minh chứng cho việc ứng xử “tệ” với công trình văn hóa công cộng nơi đô thị, đó là 2 bức phù điêu khổng lồ được các giáo sư và sinh viên khóa 1 và khóa 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có tác giả Vũ Cao Đàm, sáng tác. Công trình nghệ thuật ý nghĩa đó bị “nhốt” giữa khe hẹp của một công trình xây dựng mới của cơ quan liền kề trường. Các họa sĩ lên tiếng mong muốn tìm cách “giải cứu”, các nhà chuyên môn cũng đề xuất nhiều biện pháp để bảo vệ và lưu giữ. Song số phận của 2 tác phẩm nghệ thuật ấy vẫn chưa phân định. Gần đây hơn, cũng tác phẩm tranh tường do “vua tranh cổ động” Trường Sinh sáng tác năm 1982 ở ngã tư Chợ Mơ (Hà Nội) sau gần 40 năm tồn tại chứng kiến bao đổi thay của thủ đô cũng rơi vào tình cảnh bị phá dỡ tan nát trong một dự án mở đường. Khi ấy, nhờ sự vào cuộc của truyền thông, các nhà chuyên môn lên tiếng, UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường này về địa điểm mới để bảo tồn.
Còn với “Con đường gốm sứ” thì sao? Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, việc phá dỡ này là “bắt buộc” nhằm phục vụ thi công giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc… Vẫn biết để phát triển luôn phải chấp nhận, phải đánh đổi, phải hy sinh, song giá như trước khi thi công phá dỡ, các bên liên quan có thời gian cùng ngồi lại thì sẽ không có những “xót xa”, “tiếc nuối”…
Đã có những tranh luận nhất định về giá trị và thẩm mỹ của con đường ấy, ngay cả khi nó hoàn thành. Nhưng không thể phủ nhận, từ sự nhiệt huyết của những người tham gia, chuỗi tranh gốm này vẫn là một món quà đặc biệt cho Hà Nội vào dịp ngàn năm tuổi. Ý nghĩa hơn khi một công trình nghệ thuật dành cho cộng đồng đã được dựng lên để thay thế cho phần không gian khá bụi bặm, nhếch nhác của bờ đê sông Hồng những năm dài trước đó. Với một công trình văn hóa nghệ thuật đã được chấp nhận như một biểu trưng của tình yêu Hà Nội thì lại càng cần phải được ứng xử phù hợp hơn.
Tại thời điểm này cũng đã có một số đề xuất về việc khôi phục và làm lại các đoạn tranh tường mới thay thế đoạn đã bị phá bỏ. Dẫu biết đây là việc cực chẳng đã nhưng khi bị đẩy vào tình huống này thì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Giờ chỉ mong sẽ không còn công trình nghệ thuật nào bị hành xử theo kiểu “sự đã rồi” như vậy nữa.