Đây là những tác phẩm đã đăng nhiều kỳ trên báo trước đây, trong đó có 7 tác phẩm tái bản, gồm: Bóng người xưa; Người xưa đã về; Một lần lầm lỡ; Duyên tình lạc bến; Đời con gái; Đường tơ đứt nối; Con đường một chiều và 3 tác phẩm chưa từng in thành sách: Những ai gieo gió; Bên hồ Thanh Thủy và Một vụ ái tình.
Bà Tùng Long là bút hiệu của nữ văn sĩ Lê Thị Bạch Vân (1915-2006) - văn sĩ nổi tiếng từ thập niên 1950 ở miền Nam. Bắt đầu viết văn từ năm 1953 với mục đích duy nhất “viết văn để nuôi con”, đến giờ, Bà Tùng Long sở hữu gia tài văn chương đồ sộ với 68 tiểu thuyết và 400 truyện ngắn. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai Bà Tùng Long, ngoài 3 tác phẩm lần đầu công bố trong đợt này, ông và gia đình tiếp tục tìm thêm được 15 tác phẩm, mới chỉ xuất hiện theo dạng feuilleton (truyện nhiều kỳ) trước đây mà chưa từng được in sách.
Ý tưởng xuất bản 10 tác phẩm của Bà Tùng Long khởi phát từ tháng 6-2019, qua cuộc trao đổi nhanh giữa nhà văn Nguyễn Đông Thức và lãnh đạo NXB Trẻ. Như vậy, những người thực hiện chỉ có khoảng 2 tháng để tổ chức bản thảo, biên tập, dàn trang, làm bìa, in ấn… Dù thời gian không phải là nhiều nhưng khi thành phẩm đến với độc giả, phải ghi nhận nỗ lực của đội ngũ thực hiện. Ngoài áp dụng các công nghệ đang có như giấy của Nhật Bản, mực in thân thiện với môi trường, bìa UV theo phong cách cổ xưa, thực hiện theo công nghệ hiện đại... lần này NXB Trẻ còn làm những chiếc túi in bìa các tác phẩm của Bà Tùng Long. Túi được thiết kế theo phong cách canvas, được xem như một sản phẩm ăn theo các tác phẩm văn học vừa làm quà tặng cho độc giả khi mua bộ sách, vừa là sản phẩm độc lập cho những khách hàng có nhu cầu.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ với báo giới rằng, ban đầu phía NXB có ý định được độc quyền các tác phẩm của Bà Tùng Long, nhưng khi tiếp xúc thì tiếp cận với một tài sản quá lớn. Vì vậy, phải có thái độ ứng xử với tài sản này một cách đầy đủ, trách nhiệm, không phải mua độc quyền xong rồi để đó. Đó chính là lý do, dù hoàn toàn có thể ký độc quyền các tác phẩm của Bà Tùng Long nhưng phía đơn vị này vẫn muốn có thêm thời gian. “Chúng tôi muốn ký hợp đồng độc quyền nhưng khi tiếp cận số lượng tác phẩm, nó lớn hơn tưởng tượng. Quan trọng ở đây là thời điểm và cách khai thác những tác phẩm của Bà Tùng Long. Không thể cam kết trong 5 hay 10 năm in xong mà phải có lộ trình cụ thể. Để thực hiện bộ sách của Bà Tùng Long lần này, tổng số tiền mà NXB Trẻ chi ra là 1,4 tỷ đồng, nhưng không phải có tiền là làm được một bộ sách, mà phải nghĩ đến thời điểm để đạt hiệu quả về truyền thông, thương mại”, ông Nguyễn Minh Nhựt nói. Đây rõ ràng là một thái độ trọng thị đối với di sản văn chương nước nhà mà có lẽ không phải đơn vị nào cũng làm được.
Nhà văn Bích Ngân bày tỏ: “Nếu chúng ta thực sự đánh giá toàn bộ tác phẩm, những đóng góp của Bà Tùng Long thì đó là một di sản rất lớn đối với nền báo chí của đất nước, kể cả văn chương. Theo tôi, cần phải có những công trình như thế nào đó để tổng kết, đánh giá về những đóng góp thực sự lớn của Bà Tùng Long, đặc biệt là văn chương mà bà để lại”.
Cùng với NXB Trẻ, thị trường xuất bản hiện nay cũng ghi nhận nhiều đơn vị cùng dành sự quan tâm đối với những tác phẩm có nguy cơ bị lãng quên, như Công ty sách Nhã Nam với bộ sách Việt Nam danh tác, giới thiệu những tác phẩm giữ vị trí quan trọng, trở thành mẫu mực của văn học Việt Nam như: Số đỏ, Vang bóng một thời, Món ngon Hà Nội, Việc làng, Gió lạnh đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường. Tiếp theo đó là Tủ sách Khuê Văn của Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Sống, tủ sách Văn học trong nhà trường của NXB Kim Đồng, loạt tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh do Công ty sách Đinh Tị và NXB Văn hóa - Văn nghệ cùng khai thác…
Không chỉ là một cách góp phần gìn giữ di sản văn chương nước nhà, hay tưởng nhớ đến những đóng góp của người xưa, việc hồi sinh các tác phẩm “từ thăm thẳm lãng quên” còn mang đến độc giả ngày nay cơ hội thưởng thức những tác phẩm đã được khẳng định bởi thời gian. Dễ nhận thấy những tác phẩm này được “hồi sinh” theo một cách bài bản, có đầu tư, chăm chút và sáng tạo. Điều này thực sự cần thiết, bởi trong số những người thụ hưởng, có không ít độc giả trẻ lần đầu tiên được tiếp cận. Và, điều cần thiết nhất ở các đơn vị xuất bản hiện nay chính là phải luôn trọng thị với nguồn di sản văn chương.