Đầu tiên có thể đến việc ông Hoàng Tuấn, quản lý ca sĩ Đan Trường, đại diện HT Productions, khởi kiện 3 ca sĩ sử dụng các ca khúc do HT Production nắm bản quyền, đăng tải trên các nền tảng mạng mà không xin phép. Các ca sĩ bị khởi kiện gồm D.E. (Hà Nội), T.T. và B.C. (TPHCM).
“Một số ca sĩ không liên lạc hay xin phép, ngang nhiên sử dụng dù chúng tôi đã nhắc nhở. Thực ra, chúng tôi cũng không khó khăn gì nhưng cái chính là họ không tôn trọng bản quyền. Chúng tôi khởi kiện không phải đòi tiền mà để các nghệ sĩ đó hiểu làm nghề phải có sự chuyên nghiệp, chưa kể còn những vấn đề về văn minh, văn hóa” - ông Hoàng Tuấn cho biết. Ngay sau thông tin về vụ kiện, phía ca sĩ B.C. và T.T. đã lập tức liên hệ xin lỗi nên HT Productions đã rút đơn kiện 2 ca sĩ này.
Sự việc trên chưa nguôi thì ngay sau đó, nhạc sĩ Đỗ Hiếu cũng đăng đàn tố ca sĩ Noo Phước Thịnh nhiều năm qua “xài chùa” các ca khúc của anh. Đỗ Hiếu cho biết, hiện các ca khúc do anh sáng tác được Noo Phước Thịnh thể hiện đã hết hạn độc quyền 2 năm nhưng nam ca sĩ vẫn tiếp tục sử dụng mà không xin phép. Tình trạng nhiều nghệ sĩ bức xúc phản ánh các tác phẩm họ sáng tạo nhưng bị đơn vị khác nhận vơ quyền sở hữu; các ca sĩ, cá nhân hát lại không xin phép, bật nút kiếm tiền trên YouTube, khá phổ biến. Có thể kể đến vụ nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng phát hiện có người đăng ký toàn bộ bản quyền các tác phẩm của anh; Hứa Kim Tuyền phát hiện bài hát Nếu một mai tôi bay lên trời do anh sáng tác bị đánh cắp bản quyền trên YouTube bởi một công ty không liên quan; nhạc sĩ Kai Đinh tố Nam Em hát Mình yêu đến đây thôi không xin phép; nhạc sĩ Đình Dũng tố Đan Trường “hát chùa” Từng yêu; công viên Ký ức Hội An tố chương trình Rap Việt All Star Concert 2023 vi phạm bản quyền tiết mục biểu diễn… Các nghệ sĩ Giáng Son, NSƯT Kim Tiểu Long, Tăng Nhật Tuệ… cũng liên tục lên tiếng vì bị “đánh gậy” bản quyền chính các bản nhạc do mình sáng tác.
Thực trạng trên cho thấy việc vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra một cách tinh vi với nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng khác nhau. Trong khi đó, việc xử lý thông qua pháp luật đối với tình trạng vi phạm này vẫn còn rất chậm, rất khó khăn, khi việc khởi kiện vẫn khá dè dặt. Nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ thói quen “xài chùa” tác phẩm của người khác để kinh doanh kiếm lời. Rất nhiều trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả “tố” hành vi cover bài hát, biểu diễn tác phẩm vì mục đích thương mại mà không xin phép, không trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả... nhưng người bị tố vẫn nhởn nhơ, thách thức.
Internet là môi trường dễ bị xâm phạm bản quyền, việc ứng dụng các biện pháp công nghệ để giám sát, ngăn chặn các vi phạm bản quyền đang được nghiên cứu, ứng dụng. Trong khi chờ đợi các giải pháp công nghệ số giúp tạo sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý bản quyền âm nhạc thì việc xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền là điều không thể thiếu trong môi trường biểu diễn nghệ thuật. Đó không chỉ là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, văn hóa mà còn là nền tảng để các nghệ sĩ có thể vươn xa ra khu vực, thế giới. Bởi với một môi trường văn hóa ngày càng mở rộng, phát triển sẽ không có chỗ cho những kiểu làm việc thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng quyền tác giả.