Ứng xử văn minh, khoa học hơn với cây xanh

Hệ thống mảng xanh là “lá phổi” của đô thị, giúp thanh lọc không khí, giảm ô nhiễm môi trường, cũng là thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của một đô thị. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều sự cố do cây xanh gây ra như gãy, đổ gây chết người đặt ra vấn đề phải ứng xử như thế nào cho phù hợp với cây xanh.

Cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM bị đóng đinh treo biển quảng cáo
Cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM bị đóng đinh treo biển quảng cáo

Nhiều cây xanh đang bị “bức tử”

Ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường ở TPHCM cho thấy, cây xanh đang bị đối xử một cách thô bạo. Tại tuyến đường Trần Phú (quận 5, TPHCM), nhiều gốc cây bị xi măng vỉa hè phủ kín mít, không có không gian cho rễ cây phát triển. Hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, phần lớn có đường kính khoảng 30-40cm, bị đóng đinh treo biển quảng cáo, bị quấn đầy dây điện trang trí bởi các hàng quán gần đó. Thực trạng này cũng xảy ra phổ biến ở nhiều tuyến đường trong thành phố, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây xanh.

Đặc biệt, hệ thống cây xanh đang bị teo tóp bởi quá trình đô thị hóa. Ngay tại khu trung tâm thành phố, nơi được đầu tư khá tốt cho cảnh quan, mảng xanh, nhưng giờ đây cây xanh trồng mới chưa đủ bù được số cây xanh bị đốn hạ. Trước đây, tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận 1) được mệnh danh là “con đường rợp bóng mát” với hàng trăm cây cổ thụ, nhưng sau đó đã bị đốn hạ phục vụ dự án cầu Thủ Thiêm 2.

Theo kế hoạch triển khai tuyến metro số 2, sẽ có 404 cây xanh tiếp tục bị chặt đi, trên các tuyến đường như Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Sương Nguyệt Ánh, vòng xoay Ngã sáu Dân Chủ, Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh (từ hướng quận 1 về quận 12), trong đó có những cây gỗ quý trồng rất lâu năm như sao đen, bằng lăng, lim sét...

Theo các chuyên gia đô thị, việc “bức tử” khiến cây xanh không có không gian phát triển, bị chết dần là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây gãy, đổ mỗi khi có mưa to, gió lớn. Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2021 đến tháng 9-2024 thành phố có khoảng 1.790 cây xanh bị ngã, đổ. Các sự cố cây xanh ngã, đổ từ nhiều nguyên nhân: do dông lốc, mưa gió, thi công công trình vỉa hè, công trình ngầm xâm hại rễ cây....

Có những trường hợp cây xanh ngã, đổ do hệ rễ có dấu hiệu bị xâm hại, bị chặt cắt từ nhiều năm trước. Từ năm 2012 đến nay, thành phố xảy ra 12 vụ tai nạn xuất phát từ cây xanh làm chết 13 người. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 4 sự cố gãy, đổ cây xanh làm 5 người tử vong.

Trong khi đó, dư luận cho rằng việc cắt tỉa nhiều cây xanh đến trụi lủi thời gian qua là hết sức phản cảm, là cách làm tùy tiện, thiếu khoa học. Chính cách quản lý dễ dãi này khiến cây xanh ngày càng giảm đi, làm cho môi trường sống giảm chất lượng…

D5b.jpg
Nhiều cây xanh bị cắt trụi ngọn ở khu vực hồ Con Rùa, quận 3, TPHCM

Hãy xem cây xanh là bạn

Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết, việc cắt tỉa cây xanh trong thời gian qua của công ty cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Để đảm bảo an toàn nhất cho người lưu thông trước những rủi ro do cây xanh gây ra, công ty phải thực hiện cắt tỉa khá “mạnh tay”. Quá trình cắt tỉa, công ty đã tính toán đến độ cao, kích thước phù hợp và báo cáo đến đơn vị quản lý.

“Khi cây bị cắt tỉa, người dân sẽ cảm thấy thiếu đi bóng mát, mất mỹ quan đô thị nhưng đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho cây và an toàn lưu thông cho người đi đường”, ông Phương giãi bày.

Ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhìn nhận, việc chăm sóc, duy tu cây xanh còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhiều cây xanh cổ thụ có kích thước lớn, phát triển khá cao trong khi phương tiện chăm sóc cây không đáp ứng yêu cầu.

Hệ thống cây xanh cổ thụ đã và đang có tình trạng già cỗi, sức chịu đựng trong điều kiện sống đô thị hiện nay có xu hướng giảm dần và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gãy cành, nhánh, gãy, đổ cây gây tai nạn. Việc đốn hạ, thay thế cây xanh chỉ có thể thực hiện rải rác, từng bước theo thứ tự ưu tiên từng cá thể.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của các nhà khoa học, TS Đinh Quang Diệp, nguyên trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, phân tích, về mặt quản lý, vì lý do an toàn, đơn vị thi công phải cắt tỉa, song làm như hiện nay là quá nặng tay với cây xanh. Các đơn vị có chức năng trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh cần phân loại cây xanh ngay từ đầu, cây nào hợp vị trí, khu vực nào thì trồng cây đó.

Mặt khác, cần phân loại cây nào cần bảo tồn thì có giải pháp riêng, như hiện tại cây lớn, cây nhỏ đều chăm sóc như nhau là không hợp lý. Chung nhận định, TS Đinh Thị Thanh Nga, Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn, cho rằng, để trả lại đúng nghĩa chức năng, vai trò cây xanh trong đô thị, các hành vi bức tử, xâm hại cây xanh cần phải bị xử lý thật nghiêm. Đối với các đơn vị chăm sóc, duy tu cây xanh cần phải được giám sát chặt chẽ, ứng xử với cây xanh công bằng, nhân văn.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên và Môi trường Việt Nam, đề xuất, trong các đô thị không nhất thiết phải trồng nhiều cây cổ thụ to, cao mà chỉ cần cây có tán rộng. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh cần được tiến hành đồng bộ và đưa vào định hướng quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Phải coi cây xanh không chỉ đơn thuần là một loại hình hạ tầng kỹ thuật đô thị mà còn là một thực thể sống cần được đối xử một cách khoa học, văn minh.

Theo Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TPHCM, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng đang quá thiếu không gian xanh. Tỷ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TPHCM chỉ đạt 0,55m2/người; Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người… thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt, khoảng 15m2/người (theo TCVN 9257:2012).

Tin cùng chuyên mục