Trên thực tế, với nhiều người, vào rạp chiếu phim không phải để xem phim. Họ coi đó là không gian lý tưởng để ngủ và ngáy hoặc là nơi để tám đủ thứ chuyện trên đời; rôm rả bình luận, chê bai diễn viên; đọc phụ đề oang oang... Nhưng, chuyện vào rạp chiếu phim để yêu đương quá đà như cặp đôi nói trên là sự báo động về văn hóa xem phim. Nó không chỉ phản ánh ý thức, nhận thức mà còn cho thấy ứng xử phản cảm, thiếu văn hóa. Dù viện dẫn bất cứ lý do gì, hành vi đó cũng không thể chấp nhận và chắc chắn hành động đó không phải là chưa có tiền lệ.
Xem phim đã vậy, khán giả xem kịch, triển lãm, ca nhạc cũng có những hành động chẳng khá hơn là mấy. Thời buổi công nghệ, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như tất cả mọi người đang rất chăm chú theo dõi một vở kịch hay một liveshow thì dưới hàng ghế khán giả vang lên những tiếng chuông điện thoại, tiếng nói chuyện hồn nhiên như ở nhà mình. Nếu từng ghé sân khấu Hoàng Thái Thanh, sẽ thấy ở nhiều suất diễn, nhân viên phải đi nhắc nhở từng người không được bật điện thoại sáng màn hình khi theo dõi vở kịch, tránh ảnh hưởng đến người khác; không được phép quay phim chụp ảnh... Còn tại nhiều triển lãm, dù có không ít lời nhắc nhở cấm sờ vào hiện vật thì khán giả vẫn cứ thoải mái đụng chạm như là cách để kiểm chứng chất lượng tác phẩm.
Văn hóa thưởng thức nghệ thuật nói chung còn tồn tại nhiều hiện trạng đau lòng. Không cần đi quá xa, chỉ cần ghé Nhà thờ Đức Bà, trên những bức tường, từng viên gạch cũng bị vẽ chằng chịt các dòng chữ khắc tên tuổi, ngày tháng, kỷ niệm... Đặt chân đến nhiều khu di tích, nơi có các danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra như cơm bữa. Ở nhiều khu di tích, những tấm biển cấm quay phim, chụp hình đặt ở khắp nơi, nhưng du khách vẫn vô tư quay, chụp và sau đó, đưa lên mạng xã hội để khoe.
Đó còn là tình trạng xả rác bừa bãi sau mỗi lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Mỗi năm, sau lễ hội đếm ngược đón năm mới tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, khung cảnh còn lại cơ man là rác. Sau những liveshow, buổi giao lưu người hâm mộ của các ngôi sao quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, những thứ được các bạn trẻ để lại nhiều nhất cũng là rác. Mới đây nhất, sau chương trình khai trương tòa nhà Landmark 81, cư dân nơi đây cũng phải kêu trời khi rác thải từ khách tham quan ngập các lối đi.
Câu chuyện một giảng viên đại học chia sẻ cách đây không lâu gây chú ý. Ông kể, trong chuyến công tác châu Âu, khi dự một buổi hòa nhạc, lúc kết thúc khán giả nhất loạt đứng dậy và vỗ tay không ngớt. Mỗi lần như thế, các nghệ sĩ trên sân khấu lại chơi thêm một bản nhạc. Sự việc ấy kéo dài đến gần chục lần và cuối cùng, khán giả đành phải ngồi im vì đã quá khuya, nếu cứ tiếp tục không biết khi nào mới kết thúc. Ông dẫn chứng, khi xem kịch tại Việt Nam, cũng theo thói quen khi vở kịch kết thúc, ông đứng lên vỗ tay liền bị những khán giả phía sau la ó, chế giễu.
Ở nhiều nước, muốn vào nhà hát phải tuân thủ yêu cầu tắt điện thoại hoặc chuông, tắt đèn flash khi chương trình nghệ thuật đang diễn ra. Tuyệt nhiên khán giả không hề to tiếng, toàn tâm toàn ý thưởng thức nghệ thuật. Và họ đến dự các chương trình nghệ thuật lớn với sự văn minh, từ ứng xử, thưởng thức cho đến điều nhỏ nhất là ăn mặc lịch sự. Mặc quần lửng, áo thun, dép lê, chắc chắn sẽ không có chỗ ở nhà hát. Còn trình diễn ngoài trời, phải tuân theo quy định: tắt điện thoại, không nói chuyện ồn ào, không đi lại lung tung, không xả rác, không chụp hình có đèn flash... Kết thúc chương trình, khán giả tự giác mang rác bỏ vào thùng trước khi ra về.
Kết thúc một buổi chiếu phim, buổi hòa nhạc, liveshow, một đêm thi tài... khán giả nước ngoài sẽ đứng dậy, thậm chí đứng cả chục phút để vỗ tay tưởng thưởng cho các nghệ sĩ nhưng với khán giả Việt, điều đó quá xa xỉ. Xem ra, đối với một bộ phận công chúng Việt, đến với các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật chỉ để mua vui, giải trí hơn là thưởng thức.
Công chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tồn tại và phổ biến các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng, nghệ thuật chỉ có thể thăng hoa khi có công chúng biết tôn trọng sản phẩm đó, nhất là thái độ thưởng thức, tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Nhiều người đặt vấn đề, có nên giáo dục nghệ thuật cho công chúng? Và thế hệ trẻ, ngay từ trường học phải được học về cách cảm thụ nghệ thuật, tôn trọng nghệ thuật, ứng xử văn hóa với nghệ thuật.
Nói đến đây, lại thấy rõ sự thiếu hụt của việc xây dựng các thiết chế hỗ trợ cho công tác giáo dục nghệ thuật được phát triển rộng khắp. Sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan, để xây dựng văn hóa thưởng thức nghệ thuật trong số đông công chúng, góp phần vào sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, hầu như không có. Ứng xử văn hóa với nghệ thuật, vẫn còn là điều xa xỉ!