Vì vậy, nếu không giữ được môi trường trong lành thì những thảm họa môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, trở thành ngòi nổ cho các bất ổn xã hội, các cuộc xung đột.
Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội… đang ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng ngàn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm ngàn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng là do những hành vi, hành động thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi họ cứ thẳng tay vứt ra môi trường những vỏ hộp nhựa, mẩu thuốc lá, thậm chí là tiểu bậy ở những gốc cây xanh. Họ dường như phớt lờ các quy định.
TPHCM đã có biển cấm không đánh bắt cá dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng lúc nào đi ngang qua đây, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều “cần thủ” đang buông câu, thi thoảng lại có người dùng điện đánh bắt cá. Ở các công viên, điểm vui chơi công cộng (nhất là sau mỗi lần lễ hội), khi các bạn trẻ rời khỏi thì cũng là lúc một lượng rác thải xuất hiện tràn lan, dù bên cạnh đã có những thùng rác công cộng. Nếu như các bạn ý thức được việc bảo vệ môi trường thì những hành động này chắc sẽ không xảy ra. Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng lại góp phần rất lớn trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch và đẹp!
Có thể thấy rằng, một khi nhận thức của con người chưa được nâng cao thì mọi giải pháp, chế tài đều rất khó thực hiện. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ứng xử của con người với môi trường. Điều cần làm tận gốc là thay đổi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt của mọi người hiện nay. Mọi thứ đều phải bắt đầu từ sự thay đổi của chính bản thân mỗi người. Về phía người dân, mỗi người chỉ cần không xả rác, nước thải bừa bãi ra môi trường, không hút thuốc nơi công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân… Những hành động này không có gì là khó, nó rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.
Đối với các cơ quan ban ngành, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, đảng viên về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường; làm cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác của mỗi thành viên trong xã hội, trở thành nếp sống văn hóa của mỗi người.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từng chia sẻ rằng tất cả mọi vấn đề, nếu muốn tuyên truyền thành công thì việc quan trọng nhất chính là việc nâng cao nhận thức cho mỗi người. Một khi ý thức đã thay đổi sẽ dẫn đến những hành động đúng. Nếu nhận thức không tốt thì có cố gắng bao nhiêu cũng không mang lại hiệu quả.