Bị hủy niêm yết hàng loạt do thua lỗ
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị hủy niêm yết như: làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính. Trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn.
Trong tháng 9, HoSE đã công bố quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HBC (của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) từ ngày 6-9, buộc chuyển xuống sàn UpCOM. Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là doanh nghiệp lớn, tham gia rất nhiều ở những công trình có vốn đầu tư khủng, đặc biệt là các tòa nhà chung cư.
Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái của ngành bất động sản từ sau đại dịch đến nay, kết quả kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bết bát. Căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp (2021, 2022 và 2023), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức lỗ lần lượt gần 1.120 tỷ đồng, gần 3.580 tỷ đồng và gần 1.100 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, công ty này có lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hơn 2.741 tỷ đồng.
Trường hợp tương tự là cổ phiếu HNG (của Công ty CP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico). Công ty này một thời đình đám về sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, Campuchia, Lào.
Vì làm ăn khó khăn, sau đó HAGL Agrico về tay tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco) nhưng rồi cục diện cũng không thay đổi. Do thua lỗ trong 3 năm liên tục, HAGL Agrico bị hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển xuống sàn UpCOM.
Danh sách các doanh nghiệp bị hủy niêm yết tính từ đầu năm đến nay còn có: Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD), bị HoSE hủy niêm yết vì lỗ 3 năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu âm; Công ty CP Nhựa Đà Nẵng (DPC), bị HNX hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp; Công ty CP Thép Pomina (POM), lý do kinh doanh kém, chậm nộp báo cáo kiểm toán.
Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) lý giải, quy định hủy niêm yết bắt buộc là thực hiện theo Luật Chứng khoán, có ý nghĩa vô cùng quan trọng là tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch.
“Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu, xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cần lưu ý sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp để tránh rủi ro”, đại diện Vụ Phát triển thị trường chứng khoán khuyến nghị.
Vietnam Airlines là ngoại lệ?
Bộ 3 cổ phiếu HBC, HNG và HVN (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines) cùng nằm trong danh sách cảnh báo hủy niêm yết được HoSE công bố hồi đầu năm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 cổ phiếu HBC và HNG bị hủy niêm yết, còn HVN thì đang trong diện hạn chế giao dịch (vẫn giao dịch trên HoSE nhưng vào phiên chiều). Sự việc này khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn về tính công bằng trong việc áp dụng quy định pháp luật.
Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đến nay đã lỗ 4 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2020, Vietnam Airlines lỗ 11.178 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 13.279 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 11.223 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, mặc dù kinh doanh khả quan hơn nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ 5.631 tỷ đồng, là năm thứ 4 liên tiếp bị lỗ, đẩy khoản lỗ lũy kế lên đến 41.000 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ. Điều này khiến Vietnam Airlines rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng.
Chuyên gia pháp lý của một quỹ đầu tư cho biết, theo quy định hiện hành, HVN vi phạm cả 3 điều kiện, phải bị hủy niêm yết bắt buộc, gồm: kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Theo quy định, HVN phải bị hủy niêm yết trên sàn HoSE để giao dịch ở sàn UpCOM.
Liên quan cổ phiếu HVN, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo HoSE cho biết, cơ quan này đã thực hiện theo đúng quy trình và thẩm quyền của mình, đã báo cáo với cơ quan cấp trên để chờ hướng dẫn thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Theo thông tin chúng tôi có được, tại Vietnam Airlines, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu hơn 86% nên việc rời sàn HoSE sẽ dẫn đến một số quỹ, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ cổ phiếu này phải bán ra do quy định chỉ được đầu tư các cổ phiếu trên sàn chính thức.
Do đó, Vietnam Airlines đang trông chờ vào quy định bổ sung “trường hợp đặc biệt” mà cơ quan chức năng đã lấy ý kiến. Cụ thể, đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong dự thảo đã bổ sung nội dung: “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
“Đây có thể là “cứu cánh” để cổ phiếu HVN tiếp tục được duy trì niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên đến nay nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành, do vậy việc HVN chưa bị hủy niêm yết là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không bảo đảm sự công bằng và thống nhất của pháp luật”, chuyên gia pháp lý của một quỹ đầu tư nhận định.