Bệnh thường xuất hiện trên nền gan xơ có nguyên nhân do virus viêm gan B, virus viêm gan C, nghiện rượu... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh mới phát hiện UTG tương đương với tỷ lệ tử vong vì đa số các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn quá muộn, người bệnh ít có cơ hội được điều trị hiệu quả.
Biết bệnh khi quá trễ
Tại khu điều trị bệnh nhân viêm gan, UTG ở Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM luôn đông nghẹt người bệnh với nhiều trường hợp nhập viện điều trị muộn, có nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Nằm mệt mỏi tại giường bệnh, ông Trần Văn Chính (63 tuổi, ngụ quận 7) cho biết, trước khi được phát hiện UTG, ông Chính có biểu hiện đau tức hạ sườn phải và sút cân nên đã đến BV Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra sức khỏe.
Cũng phát hiện bệnh khi đã quá muộn, ông Nguyễn Văn Kiên (56 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được chẩn đoán bị xơ gan do rượu. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, các bác sĩ phát hiện trong gan của ông Kiên có một khối u bất thường khoảng 1cm. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm AFP, chụp CT scan, các bác sĩ xác định đây là khối u ác tính. Hiện ông Kiên phải thực hiện phương pháp dùng sóng cao tần phá hủy khối u.
Theo PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Đại học Y Dược TPHCM), hàng năm, BV này tiếp nhận điều trị cho gần 2.000 trường hợp UTG. Thông thường, đối với các trường hợp bệnh nặng, ở giai đoạn cuối có nhiều biến chứng, người bệnh chỉ có thể sống không quá 3 tháng, cho nên người bệnh thường không quan tâm việc đi khám bệnh hoặc không hề biết mình đã mắc bệnh, đến khi bắt đầu có các triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to… thì đã quá muộn”, PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho hay.
Tầm soát, phòng ngừa sớm
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, việc điều trị UTG chỉ là nâng đỡ thể trạng, giảm đau đớn cho người bệnh. Do vậy, vai trò của việc tầm soát sớm UTG là rất quan trọng, càng phát hiện sớm thì người bệnh càng có cơ hội điều trị hiệu quả và triệt để hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa của việc phải có chiến lược tầm soát UTG nhằm phát hiện sớm để có thể điều trị bệnh một cách triệt để, kéo dài sự sống cho người bệnh. Việc tầm soát UTG cần được thực hiện tập trung vào những đối tượng có nguy cơ mắc UTG cao, đặc biệt là người bệnh viêm gan mạn tính do virus (viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C) và người bệnh bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2018, số ca UTG được phát hiện mới trên thế giới là 841.080 ca, trong đó tại Đông Nam Á là 89.010 ca và riêng tại Việt Nam là 25.335 ca. Tỷ lệ tử vong do UTG phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phát hiện trong giai đoạn trễ, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khác nhau ở mỗi khu vực. Độ tuổi mắc UTG tập trung ở lứa tuổi 50 - 60 tuổi, với tỷ lệ nam/nữ là 3 - 4/1. |
PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho rằng, trên thực tế, qua việc tầm soát UTG sớm các bác sĩ có thể phát hiện kịp thời khối ung thư mới xuất hiện, nhờ vậy có thể áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để cho người bệnh như: phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư, dùng nhiệt, sóng cao tần phá hủy khối u, nút tắc mạch máu nuôi khối u, hoặc ghép gan…
“Đối với những người chưa mắc bệnh viêm gan siêu vi B thì nên đi chủng ngừa, khi đã có kháng thể bảo vệ thì khả năng ung thư rất thấp. Còn đối với người đã mắc các bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, việc tầm soát là hết sức quan trọng, giúp phát hiện kịp thời và điều trị triệt để UTG. Bên cạnh đó, người dân cần ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị tốt bệnh gan, nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, không để thừa cân béo phì để bảo vệ tốt lá gan của mình trước các nguy cơ dẫn tới ung thư gan”, PGS-TS Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo.