Chứng tỏ không phải người tiêu dùng không cần nông sản đó, mà là do có sự bất ổn trong cung - cầu. Cần ứng phó với việc này bằng nhiều biện pháp, việc đầu tiên cần làm là nhà nông trong cùng địa phương, cùng canh tác một loại nông sản nên liên kết để tránh bị thương lái ép giá. Dù bất kỳ có cuộc mua bán nào cũng nên đồng nhất giá. Đừng bán phá giá hoặc cá nhân tự hạ giá bán, khiến cho hiệu ứng domino xảy ra.
Nếu nông sản không thể để lâu được, có thể linh động tự chế biến thô, thành phẩm để gỡ vốn hoặc tìm nguồn thu nhập theo hướng khác. Thay vì đổ bỏ củ cải trắng, su hào, chúng ta có thể mang về chế biến củ cải muối, cải khô bán cho nhà chùa, người ăn chay, còn su hào làm kim chi cũng không đến nỗi tệ.
Tất cả những món này đều dễ làm và để lâu được. Về đầu ra, có thể nhờ chính quyền địa phương (hoặc tự bản thân) vận động khách hàng mua ủng hộ, đem ra chợ bán lẻ, hoặc rao tin trên mạng.
Hành động này ngoài việc cứu vãn tình thế, tìm hướng đi mới, còn là cách chống lãng phí. Bởi đổ bỏ hàng tấn nông sản là một sự hoang phí khi mà nhiều nơi đói nghèo không có cái ăn. Tự mình cứu mình trước khi người khác cứu mới là nhà nông chủ động trong mọi tình thế. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần có nhiều giải pháp bền vững, bình ổn giá, để giúp nhà nông yên tâm tăng gia sản xuất.