Sụt lún ngày càng phức tạp
Theo nghiên cứu, đánh giá của Bộ TN-MT, TPHCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi 6-7cm/năm. Ngoài việc xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, địa chất, tình trạng sụt lún ở TPHCM cũng có nguyên nhân từ việc khai thác nước ngầm.
Ngày 14-12, ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP tại Bệnh viện Tâm thần cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho thấy, tình trạng sụt lún ở đây đang diễn ra rất nghiêm trọng. Toàn bộ nền gạch tầng trệt khu nhà hành chính của bệnh viện đã bị sụt lún, bong tróc, gạch vỡ vụn. Thậm chí móng của tòa nhà cũng đã nứt toác, tạo khe hở rộng tới 10cm. Đề phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra, bệnh viện phải cho dán rất nhiều tờ rơi cảnh báo “cẩn thận không té ngã”. Chị Thanh, quê An Giang, một người đang nuôi bệnh ở đây, cho biết, nhìn cơ sở sụt lún nghiêm trọng như vậy chị thấy rất lo, chỉ cần sơ suất nhỏ là té ngã liền.
Tháng 1-2019, một vụ sụt lún ở chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 cũng đã làm cho nhiều người lo sợ. Theo ghi nhận, các cột của chung cư có độ nghiêng lớn nhất là 14cm, công trình có độ nghiêng lệch tổng là 45cm. Không dừng ở đó, cứ sau mỗi cơn mưa người dân lại thường bắt gặp những hố “tử thần” do sụt lún trên một số tuyến đường.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, kết quả đo dao động vi địa chấn, các nhà nghiên cứu nhận thấy loại đất nền vững chắc chỉ có một diện tích rất nhỏ nằm ở khu vực núi đá Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức). Nền loại trung bình chỉ chiếm diện tích khoảng 40% thuộc các khu vực phía Bắc quận 9, Đông Bắc quận Thủ Đức, Tây Bắc huyện Bình Chánh và phía Tây quận Tân Bình. Nền yếu nhất chiếm 60% diện tích đất của TPHCM. Đất nền loại này có đặc thù bùn, sét lẫn nhiều mùn thực vật, phần lớn dày trên 10m đến hơn 30m. Nền đất phân bố chủ yếu ở khu vực các quận 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, giáp ranh giữa huyện Củ Chi và Hóc Môn. Khu vực phía Nam và Đông Nam gồm các huyện Nhà Bè, Cần Giờ... là khu vực phân bố đất yếu điển hình của thành phố và hiện đang là nơi phát triển xây dựng đô thị và công nghiệp sôi động với nhiều công trình cao tầng và khu công nghiệp, cảng biển lớn.
Cần có kịch bản mô phỏng khu vực sụt lún
Theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Phước Minh, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, bên cạnh nguyên nhân về địa chất thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún ở TPHCM hiện nay là do tác động của đô thị hóa (xây dựng, giao thông), đặc biệt là việc thi công các công trình lớn. Những công trình lớn thường phải đào móng rất kiên cố, chính việc khoan tầng móng đã phá vỡ kết nối các tầng địa chất trong lòng đất, gây ra tình trạng sụt lún. Việc xây dựng các hạng mục công trình giao thông cũng góp phần lớn gây sụt lún. Việc khai thác nước ngầm chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Trong thực tế, nhiều quận huyện cũng đã văn minh hơn khi đều sử dụng nước máy.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cũng cho rằng việc đô thị hóa quá nhanh, rầm rộ với những công trình chọc trời là tác nhân chính gây sụt lún hiện nay. Nền đất TPHCM yếu nhưng lại phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng, đường sá, nhà cao tầng, chung cư với tốc độ ồ ạt khiến tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm ở thành phố, tuy mực nước có bị hạ thấp nhưng không đến mức báo động. Thậm chí địa bàn Củ Chi có thể xây dựng được nhà máy khai thác nước ngầm công suất 80.000m3/ngày đêm.
Để hạn chế tình trạng sụn lún ở TPHCM hiện nay, các nhà khoa học cho rằng, việc đầu tiên là chúng ta cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, các thiết kế công trình phải đảm bảo yêu cầu về địa chất. Cần phải có những mô phỏng dự đoán tình trạng sụt lún ở các khu vực để từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị. Đồng thời cần xác định lại chuẩn cốt nền để phục vụ các công trình xây dựng trước thực trạng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, TPHCM nên lưu ý mở rộng, phát triển về hướng Tây Bắc, Củ Chi, vì đây là khu vực có nền đất cứng, vững chắc. Mặc dù góp phần nhỏ trong việc gây sụt lún nhưng thành phố cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác nước ngầm có kế hoạch hợp lý. Liên quan đến việc khai thác nước ngầm hiện nay, đại diện Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở TN-MT TPHCM cho biết, trước đây mức bình quân khai thác là 700.000m3/ngày đêm, hiện nay giảm còn khoảng 200.000m3/ngày đêm. Thành phố đang phấn đấu hạ tỷ lệ xuống còn khoảng 100.000m3/ngày đêm.