Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 14-7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông.
Chiều 14-7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông.
Chiều 14-7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông.

Tối 14-7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 04/CĐ - QG gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: TN-MT, NNPT-NT, GT-VT, TT-TT, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 14-7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông. Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 116,5; trong 48 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18, phía Đông kinh tuyến 113 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho người dân, tổ cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả. Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Do ảnh hưởng tiền hoàn lưu bão (hút mây đất liền) nên ngày 14-7, khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ trên 39°C; riêng Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa (Quảng Bình) đều vượt 40°C. Ngày 15-7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên vẫn có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Ngày 16-7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Ngày 17-7 có thể kết thúc đợt nắng nóng kéo dài ở Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên.

Do kích hoạt của rãnh áp thấp và áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam ở khu vực Nam Biển Đông mạnh lên. Ngày 14-7, ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ đã có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Dự báo mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ vào chiều và tối còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, thủy triều ven biển Tây Nam bộ đang có xu thế tăng. Dự báo thủy triều cao nhất vào các ngày 15, 16 và 17-7. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, độ cao sóng tại vùng biển này dao động trong khoảng 2-3m. Thủy triều cao kết hợp sóng lớn và nước dâng do gió mạnh có thể gây sạt lở bờ biển và ngập úng tại các khu vực trũng thấp ven biển các tỉnh Tây Nam bộ, nhất là tại Cà Mau.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, ngày 14-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi ban chỉ huy các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định cùng các bộ liên quan, đề nghị theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời, rà soát các hoạt động trên biển, khu vực nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục