Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ: Thế giới phản ứng trái chiều trước giờ G

Tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế bao phủ toàn cầu sau những tuyên bố đanh thép trả đũa thuế quan qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Á khẩn trương đưa ra các biện pháp nhằm ổn định thị trường tài chính khi thời điểm thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực (ngày 9-4) cận kề.

Trung Quốc, EU tiếp tục trả đũa

Ngày 7-4 (giờ địa phương), trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy đàm phán và áp thêm mức thuế 50% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu hết ngày 8-4 Trung Quốc không rút lại mức thuế 34% mà nước này dự kiến áp lên một số hàng hóa Mỹ từ ngày 10-4.

Trước đó, ngày 2-4, chính quyền ông D.Trump đã áp dụng mức thuế 34% đối với hàng hóa Trung Quốc, bổ sung vào mức thuế 20% đã có từ trước, nâng tổng mức thuế lên 54%. Đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ, ngay trong sáng 8-4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện đến cùng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng vừa đưa ra đề xuất áp mức thuế trả đũa 25% lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Liên minh châu Phi (AU) phản đối mạnh mẽ chính sách thuế mới của Mỹ, cho rằng các mức thuế cao này sẽ làm xói mòn hàng chục năm hợp tác và trao đổi thương mại giữa hai bên.

Trong khi đó, theo Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, gần 50 quốc gia đã thể hiện mong muốn đàm phán liên quan đến chính sách thuế quan của nước này.

Tại Mỹ, tỷ phú Elon Musk - cố vấn thân cận của ông D.Trump - đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ đảo ngược quyết định áp thuế nhưng không thành công. Theo tờ The Washington Post ngày 8-4, đây là lần hiếm hoi ông Musk và ông D.Trump bất đồng sâu sắc về một chính sách kinh tế quan trọng. Trước đây, vị tỷ phú này từng công khai đề xuất thiết lập mức thuế quan bằng 0 giữa Mỹ và châu Âu.

Châu Á hành động

Trước những diễn biến này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và trên khắp châu Á đang khẩn trương đưa ra các biện pháp nhằm ổn định thị trường tài chính sau làn sóng bán tháo trên các sàn chứng khoán.

Ngày 8-4, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp tư nhân để thảo luận về cách ứng phó với các thách thức từ môi trường thương mại quốc tế, đặc biệt là các biện pháp thuế quan bổ sung của Mỹ. Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc - Central Huijin Investment và nhiều tập đoàn nhà nước của Trung Quốc tuyên bố sẽ gia tăng đầu tư cổ phiếu, mua lại cổ phiếu... Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ ủng hộ nỗ lực bình ổn thị trường chứng khoán.

Cùng ngày, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo, Trung Quốc đã yêu cầu tham vấn tranh chấp với Mỹ tại cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO liên quan đến thuế đối ứng của Washington. Yêu cầu này đã được gửi tới các thành viên WTO vào ngày 8-4.

Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng tích cực can thiệp thị trường để hỗ trợ đồng rupiah. Tại Hàn Quốc, Cơ quan quản lý tài chính nước này yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước chuẩn bị cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho các công ty xuất khẩu và nhà thầu bị ảnh hưởng từ chính sách thuế mới. Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan thông báo giảm giới hạn biên độ giao dịch cổ phiếu từ 30% xuống 15% và cấm bán khống từ ngày 8 đến 11-4 để giảm áp lực bán tháo.

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới lên tiếng cảnh báo diễn biến thuế quan hiện tại có thể đẩy cuộc đối đầu thương mại vượt khỏi khuôn khổ kinh tế.

Tin cùng chuyên mục