Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải tính sớm nguy cơ suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, vì tình trạng lạm phát tăng, nhiều quốc gia đang siết chặt chính sách tiền tệ và sức mua thị trường giảm.
Lạm phát, sức mua kém
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 5 của Hoa Kỳ và đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 4%/tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ các đối tác. Thế nhưng, chính từ sự tăng trưởng “nóng” kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này trong thời gian gần đây đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đưa vào diện “theo dõi” và “kiểm soát”.
Công nhân Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM) gia công sản phẩm kỹ thuật cao. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ đầu năm đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt khoảng 96,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 17,2 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 85,1 tỷ USD (tăng 23,7%), dẫn đến thặng dư thương mại lớn (đạt 74 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico). Do vậy, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tăng cường áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu nhằm kéo giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hưng, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng có thể trở thành đối tượng bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như: mật ong, gỗ dán cứng, tủ gỗ, thép ống, dệt may, giày dép...
Ở góc độ khác, đại diện thương mại Việt Nam tại châu Âu cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường châu Âu có nguy cơ giảm không chỉ do yếu tố lạm phát tăng, sức tiêu thụ trên thị trường giảm… mà còn do xu hướng thương mại xanh. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ, để có thể duy trì ổn định xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố an toàn môi trường, giảm thiểu chất thải phát sinh, đáp ứng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng. Cao hơn, các doanh nghiệp phải hướng tới sử dụng vải thân thiện môi trường, có khả năng tái chế sau sử dụng… Hiện các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đang nỗ lực chuyển đổi nhanh hoạt động sản xuất theo hướng “xanh hóa ngành dệt may”.
Đa dạng hóa thị trường, tăng trợ lực vốn
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, về phía doanh nghiệp, trong lúc này cần phải tái cấu trúc quyết liệt, đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá vì giảm đòn bẩy tài chính cũng là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng mạnh thì nhà nước cần phải thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.
Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, trách nhiệm của các bộ ngành hết sức quan trọng.
Ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục vận động và làm việc với chính phủ các nước xuất khẩu để mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Song song đó, xúc tiến việc thu hút đầu tư công nghệ chiếu xạ trên trái cây nhằm cải thiện công nghệ bảo quản sau khi thu hoạch để xuất khẩu sang các thị trường khó tính… Tiếp đó, các cơ quan chức năng tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách trên các thị trường xuất khẩu, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, cần phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Yếu tố quan trọng là cần thực thi đầy đủ những quy định của cơ quan chức năng các nước xuất khẩu, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa… Ngoài ra, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu, như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép…
Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn
Tỷ giá USD liên tục được điều chỉnh trong thời gian gần đây đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp (DN), nhất là trong thời điểm các DN tăng cường nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất cuối năm 2022 và quý 1-2023.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết, với DN dệt may nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu thì những điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD không ảnh hưởng nhiều đến giá thành thành phẩm sau sản xuất. Bởi phần lớn các DN sẽ yêu cầu đối tác nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD, và lượng ngoại tệ này sẽ được DN sử dụng thanh toán cho đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu.
Riêng với những DN dệt may không xuất khẩu mà chuyên cung ứng thị trường trong nước thì bị ảnh hưởng nhất định. Cũng theo ông Hồng, hiện có đến 50% nguyên phụ liệu ngành dệt may là nhập khẩu. Do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD đã buộc các DN phải điều chỉnh giá bán thành phẩm trên dưới 5%. Trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh, giá xăng dầu tăng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh thì việc tăng giá thành phẩm đã góp phần khiến sức mua giảm mạnh hơn, gây khó khăn cục bộ cho DN do giảm đơn hàng sản xuất.
Đồng thuận về vấn đề này, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Thép TPHCM, cho biết thêm, chưa bao giờ ngành thép gặp khó khăn đa chiều như hiện nay. Ông Khương lý giải, có đến 70% nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN thép trong nước là nhập khẩu. Do vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đồng USD tăng 5% thì giá thép trong nước sẽ phải cộng thêm 3,5%-5%. Không dừng lại ở đó, DN ngành thép đang phải đối mặt khó khăn lớn hơn là giảm thị phần tiêu thụ khoảng 46% do thị trường bất động sản “đóng băng”. Những yếu tố này đã tác động đáng kể đến sức tiêu thụ sản phẩm thép trên thị trường và đẩy DN ngành thép đứng trước nguy cơ tái lập tình trạng lợi nhuận âm như đã diễn ra năm 2021.
Trước thực trạng này, nhiều DN cho biết đang tính toán lại quy mô sản xuất để giảm những tác động tiêu cực từ tăng tỷ giá đồng USD. Theo đó, các DN sẽ tăng trích lập dự phòng đồng USD, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu tiền bán hàng để thu hồi vốn. Ngoài ra, đối với hàng tồn kho, DN sẽ tìm cách bán nhanh hơn nhằm giảm tồn kho để có dòng tiền tốt hơn, giảm bớt áp lực đi vay. Đối với DN kinh doanh xuất nhập khẩu lớn sẽ phải lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Còn đối với các DN nhập khẩu, việc các ngân hàng thương mại nâng giá bán USD gần mức giá thị trường thì cần phải tính toán nhập khẩu lượng hàng hóa phù hợp, mua USD đúng lúc để giảm áp lực lạm phát.
Ngoài ra, theo gợi ý của một số chuyên gia, để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, DN cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán khác để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. (MINH XUÂN)
Ngành gỗ đa dạng sản phẩm để thích ứng
Từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn ở nhiều thị trường nhập khẩu khi số đơn hàng giảm mạnh. Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu khó khăn khi tình trạng lạm phát tại nhiều nước khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đơn hàng nhập khẩu tại các thị trường chủ lực giảm. Mỹ vốn là thị trường tiêu thụ hơn 55% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này gặp khó khăn liên tục từ khoảng tháng 2 đến nay. Trong tháng 10 cũng như quý 4 này, nhiều doanh nghiệp cho biết, các đơn hàng chỉ còn lại 30%-40% và chưa có đơn hàng cho năm tới.
Theo các chuyên gia, giải pháp để “phá băng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hiện nay là tranh thủ mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, tạm thời chuyển đổi sang các sản phẩm mà các nước đang cần cho mùa đông sắp đến. (VĂN PHÚC)