Bộ Y tế đề nghị Giám đốc sở y tế các tỉnh, thành khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, giám đốc các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế ứng phó với tinh hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các địa phương, các cơ sở y tế trên địa bàn; đặc biệt chú trọng bảo đảm đủ nước sạch, vệ sinh cho sinh hoạt của cơ sở y tế và người dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng; hạn chế làm việc ngoài trời vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày; bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Tập huấn cho người dân biết cách phòng, chống và xử lý tại chỗ, ban đầu đối với các trường hợp say nóng, say nắng. Rà soát, bổ sung các phương tiện phòng chống nắng, nóng tại các khu vực có mật độ cao người bệnh đến khám bệnh và điều trị, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế.
Trong khi đó, qua ghi nhận của phóng viên, thời tiết nắng nóng gay gắt đang ảnh hưởng lớn tới đời sống và sức khỏe người dân. Tại một số bệnh viện ở Hà Nội như: Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Nhi Trung ương, lượng người tới khám, điều trị các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra đang có chiều hướng tăng cao. Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm não, da liễu. Trong khi nóng bức gay gắt khiến người lớn, nhất là người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt, sốt, viêm phế quản, rối loạn tiền đình, cao huyết áp, tai biến mạch máu não.