Cầu Ambassador là một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại của Canada với Mỹ, nơi ước tính có tới 450 triệu CAD hàng hóa được giao thương qua lại mỗi ngày. Việc phong tỏa cầu Ambassador đã ngăn chặn dòng chảy thương mại xuyên biên giới, khiến hơn 160 hiệp hội doanh nghiệp Canada phải gửi thư ngỏ kêu gọi chính phủ có biện pháp để chấm dứt các hoạt động biểu tình và phong tỏa cửa khẩu vốn đang làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa qua biên giới với Mỹ - điểm đến của 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada. Cuộc biểu tình ở quy mô quốc gia và quốc tế chưa từng có này khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer phải lên tiếng yêu cầu giới chức Canada hành động khẩn cấp. Nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn, an ninh của người dân.
Nền kinh tế của Canada đã phục hồi nhanh hơn và xa hơn hầu hết các quốc gia cùng trình độ phát triển, nhờ hàng trăm tỷ CAD mà chính phủ đã đổ vào các chương trình cứu trợ để giữ cho người dân và các doanh nghiệp Canada trụ vững. Tuy nhiên, việc thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh là tin không vui đối với người lao động và là tin tức tàn khốc đối với các doanh nghiệp đã phải vật lộn trong gần 2 năm qua. Đảng Bảo thủ đối lập cũng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến đại dịch và “chuyển sang một xã hội hậu Covid-19 càng nhanh càng tốt”. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Ứng phó khẩn cấp Canada Bill Blair cho biết, chính phủ liên bang đã thảo luận về việc áp dụng các quyền hạn khẩn cấp đặc biệt để đối phó với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở thủ đô Ottawa.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng đang diễn ra ở Australia, New Zealand và Pháp. Cánh tài xế xe tải ở Mỹ cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình quy mô. Điều này cho thấy việc ứng phó để vừa chống dịch, vừa chuyển đổi sang một xã hội hậu Covid-19 không dễ.