Theo cập nhật đến chiều tối 22-7, tâm ATNĐ ở ngay trên vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và chỉ còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 60km về phía Đông Đông Bắc. Theo chuyên gia khí tượng và các cơ quan dự báo - cảnh báo thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ATNĐ này đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới thời tiết ở miền Bắc nước ta, sẽ gây mưa lớn ở Bắc bộ trong 1-2 ngày tới.
Trong 24 giờ kể từ tối 22-7, ATNĐ sẽ di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, hướng ra vùng biển phía Bắc vịnh Bắc bộ. Đến chiều 23-7, tâm ATNĐ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 80km về phía Đông Nam. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ có khả năng đổi hướng Đông Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp. Chiều 24-7, tâm áp thấp nằm trên đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Như vậy, ATNĐ suy giảm từ bão số 3 đang quay vòng trở lại Biển Đông, có thể gây mưa lớn ở miền Bắc và đe dọa sự an toàn của tàu thuyền trên vịnh Bắc bộ, Bắc Biển Đông. Chiều tối 22-7, tại Hà Nội đã có mưa to.
Cảnh báo từ nay đến ngày 24-7, ở Bắc bộ sẽ có mưa vừa đến mưa rất to; riêng khu vực Đông Bắc và các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có thể mưa trên 250mm/đợt. Từ đêm 22-7 đến ngày 25-7, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế cũng có mưa trên diện rộng, cần đề phòng nguy cơ úng, lũ. Tại TPHCM và Nam bộ, Tây Nguyên còn tiếp tục mưa, thời tiết xấu từ nay đến ngày 24-7 do gió mùa Tây Nam mạnh.
* Trước tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, chiều 22-7, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo Trung ương) có công điện số 09 gửi ban chỉ huy tại các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, cùng các bộ có liên quan, đề nghị triển khai ngay các nhiệm vụ ứng phó với đợt mưa lũ, ATNĐ.
Đối với tuyến biển, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (trước mắt là từ vĩ tuyến 20 trở lên và từ kinh tuyến 107,5 đến 110). Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, nhất là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.
Đối với vùng núi, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu…
Đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân, các địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19; kết nối 550 quận huyện, gần 6.000 xã trên toàn quốc với khoảng 15.000 đại biểu tham dự tại các đầu cầu thông qua hình thức Zoom và livestream trên Facebook.
Tại hội nghị, các địa phương đã được hướng dẫn chi tiết kế hoạch chuẩn bị ứng phó theo từng kịch bản thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng; hướng dẫn cụ thể vai trò, nhiệm vụ của lực lượng xung kích địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” trong tình huống xảy ra “khủng hoảng kép”: Thiên tai và dịch bệnh.