Dịch đang được kiểm soát tốt
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng ngày, cả nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 nhưng số mắc rất thấp, dao động 100-300 ca/ngày, thậm chí có ngày số ca mắc chỉ ở mức 2 con số. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng chỉ 30-70 ca/ngày và hầu như không ghi nhận ca tử vong. Kể từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,5 triệu người mắc Covid-19, nhưng đã có trên 10,6 triệu người được điều trị khỏi bệnh. Cùng với đó, Việt Nam đã tiêm chủng được khoảng 265,5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tỷ lệ tiêm đủ 3 mũi với người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80%, với nhóm 12-17 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 3 là trên 68%, nhóm từ 5 tới dưới 12 tuổi có 92% đã tiêm mũi 1. Với những kết quả như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới nên dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước nhưng dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát tốt.
Sau gần 3 năm ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cảnh giác rất cao với dịch bệnh và những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bởi WHO cảnh báo dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới khi xuất hiện hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lan truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế cũng dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch do biến thể mới. Hiện nay đang là giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Đặc biệt, sắp tới là Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc.
Bộ Y tế hiện chưa có ý kiến đánh giá tình hình dịch Covid-19 sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 19 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, thời gian tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 do biến thể mới. Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm phòng cho trẻ em bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng chống Covid-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết 2023.
Sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến khả năng miễn dịch của cơ thể giảm theo thời gian. Điều này cũng gây khó khăn cho quá trình dự báo xu hướng dịch. Đồng thời, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền, ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu. Tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch trong xã hội cũng đang xuất hiện.
Chưa thay đổi chính sách chống dịch
Liên quan tới việc ngày 8-1-2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới, du lịch, giao lưu đi lại sau hơn 2 năm “đóng băng” do Covid-19, Bộ Y tế cho rằng có thể nước ta sẽ ghi nhận thêm nhiều ca mắc bệnh nhập cảnh nhưng khó có nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại do tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều người từng nhiễm nên đã có miễn dịch. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, nhiều tháng qua, Việt Nam đã mở cửa giao thương đối với tất cả các nước sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nên việc Trung Quốc mở cửa biên giới với Việt Nam cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, tăng cường giao thương, đi lại, Việt Nam cần đẩy mạnh giám sát, đề phòng các biến thể mới có thể gây nguy hiểm. Việc giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh cần dựa vào tỷ lệ ca mắc mới hàng ngày, số bệnh nhân tăng nặng, tử vong và sự xuất hiện của biến thể mới, từ đó để có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp tình hình thực tế.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch vào ngày 8-1-2023, Việt Nam chưa cần thay đổi chính sách chống dịch. Điều quan trọng cần làm là khuyến cáo người dân, đặc biệt người qua lại cửa khẩu, các doanh nghiệp, công ty có hoạt động với nước bạn tại khu vực biên giới cần tiêm vaccine đầy đủ, thực hiện tốt 2K (khẩu trang, khử khuẩn) để phòng chống dịch. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh một cách linh hoạt do tình hình dịch trên thế giới vẫn căng thẳng.
“Phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc bao phủ vaccine Covid-19 vì WHO đánh giá, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể khiến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Do đó, việc tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch. Nước ta cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới bằng cách phối hợp WHO và các nước trong khu vực kịp thời ứng phó với chiến lược nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm, phát triển kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội”, PGS-TS Trần Đắc Phu nói.
PGS-TS NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG - Thứ trưởng Bộ Y tế:
Vaccine là biện pháp hữu hiệu
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại. WHO đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể khiến dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.
GS-TS PHAN TRỌNG LÂN - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
Dịch còn phức tạp,chưa ổn định và khó dự đoán
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus SARS-CoV-2 liên tục có các biến thể mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong. Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19; trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động thích ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM:
Không quá lo ngại khi Trung Quốc mở cửa
Việt Nam đã mở cửa giao thương đối với tất cả các nước. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới với Việt Nam cũng là điều tất yếu. Hiện tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát, khó bùng dịch trở lại khi Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên, nước ta cần lưu ý phòng bệnh bởi tình hình dịch trên thế giới vẫn căng thẳng. Việc chúng ta cần làm bây giờ là giám sát, đề phòng các biến thể mới có thể gây nguy hiểm; theo dõi sát các chỉ số để cân nhắc kích hoạt lại hệ thống chống dịch.