Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi vẫn tiếp tục lây lan mạnh. Không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, mà tại nhiều trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn, dịch bệnh này cũng xâm nhập.
Chỉ trong tháng 5-2024, tại Đồng Nai xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi ở huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu, buộc phải tiêu hủy 23 con heo với tổng trọng lượng 880kg… Ảnh hưởng của bệnh dịch cùng với việc người dân “treo chuồng” do thua lỗ đã khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh ước tính giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra/vào tỉnh; rà soát công tác tiêm phòng, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương, các đầu mối lưu thông và triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Trong tháng 5-2024, ngành nông nghiệp đã tiêu độc, khử trùng diện tích 18.790m² cơ sở giết mổ, 2.939 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tiêm phòng cho gia súc, gia cầm hơn 2,9 triệu liều; chẩn đoán, xét nghiệm dịch bệnh động vật với 9.858 mẫu; kiểm dịch động vật hơn 18 triệu con (tăng 28,8% so với cùng kỳ 2023) và cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, nâng tổng số trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh lên 658 trang trại.
Sau thời gian triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn, hiện có 27,5% trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai sử dụng hệ thống chuồng lạnh, chuồng kín; khoảng 91% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải (sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas hoặc đệm lót sinh học); 125 trang trại và 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP; 1.836 trang trại đăng ký khai báo và được xác nhận thông tin trên phần mềm Te-Food và 1.215 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật.
Hiện, Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và khống chế, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Đồng thời, ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi, đôn đốc địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm trong quản lý nuôi chó, mèo theo quy định của pháp luật.