Ứng phó biến động thương mại toàn cầu: Kích cầu tiêu dùng nội địa, đa dạng thị trường xuất khẩu

Trước nguy cơ hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế cao từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, việc xâm nhập sâu hơn thị trường trong nước, kết hợp với đa dạng thị trường nước ngoài, được xem là giải pháp trước mắt và là chiến lược dài hạn để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Tái định vị thị phần hàng Việt

Chắc chân tại thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân là mục tiêu rất quan trọng, đang được các doanh nghiệp tập trung khai thác. Dẫn số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1-2025 đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu dùng nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất 35,7%.

“Những con số này khẳng định tiềm năng lớn của thị trường nội địa nếu được khai thác một cách bài bản, hoàn toàn có thể bù đắp cho phần thiếu hụt đơn hàng của thị trường xuất khẩu”, ông Đức chia sẻ.

Cùng với giải pháp chuyển hướng thị trường về nội địa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở thêm cơ hội xúc tiến giao thương cho những thị trường mới sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh bảo hộ thương mại toàn cầu có xu hướng lan rộng.

Theo ông Pablo Arancibia Salazar, đại diện thương mại, Cục Xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile), Nam Mỹ là một khu vực rộng lớn với tổng GDP 4.000 tỷ USD và dân số 431 triệu người. Đây là thị trường hết sức hấp dẫn với các nhóm mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, chế biến gỗ, cà phê, gạo, xi măng… vốn đang được người tiêu dùng Nam Mỹ ưa chuộng. Riêng tại Chile, hiện Việt Nam được xếp vào nhóm nguồn cung hàng hóa lớn thứ 12 của quốc gia này với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. Vì vậy, việc lên kế hoạch xâm nhập sâu thị trường Chile cần được xem xét nghiêm túc.

Một thị trường xuất khẩu khác rất tiềm năng là thị trường các quốc gia Hồi giáo với tiêu chuẩn sản phẩm khá nghiêm ngặt (sản phẩm Halal). Năm 2024, ngành điều đã xuất khẩu được 700.000 tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD, trong đó, đa số đơn hàng đều có chứng nhận Halal và thêm các chứng nhận khác về quản lý, kiểm soát chất lượng.

U5b.jpg
Khách du lịch Hồi giáo tham quan và mua đặc sản Việt Nam tại chợ Bến Thành, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

“Sản phẩm nông sản Việt có chứng nhận Halal là một lợi thế đặc biệt để mở rộng thị phần toàn cầu. Nên biết rằng, thị trường này được xác định có quy mô cực lớn và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 5,5%​”, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết.

Xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng sớm có chính sách hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư vào mô hình bán lẻ, duy trì chính sách giảm 2% thuế VAT với hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đặc biệt, Bộ Công thương cần xây dựng hoặc đề xuất các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư các trung tâm phân phối cấp vùng, nơi kết nối hàng hóa từ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tới hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Điều này không chỉ giúp giảm tầng nấc trung gian, mà còn giảm chi phí vận chuyển, bảo quản và tăng khả năng định vị thương hiệu Việt trên thị trường.

“Cần có chính sách đồng hành mạnh mẽ hơn cùng doanh nghiệp thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ lãi suất và giảm chi phí vận hành. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể vừa giữ giá, vừa đầu tư hệ thống, đồng thời đảm bảo thu hút người tiêu dùng trong nước cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Anh Đức phân tích.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế, mở rộng mạng lưới phân phối đến các khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Á và các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á. Những thị trường này không chỉ có quy mô dân số lớn mà còn đang gia tăng mạnh nhu cầu đối với thực phẩm, đồ uống, dệt may, gỗ… đáp ứng tiêu chuẩn Halal.

“Thị trường Halal chính là dư địa lớn để doanh nghiệp Việt khai phá nếu có chiến lược bài bản về chất lượng, minh bạch nguồn gốc và được hỗ trợ đúng hướng từ hệ thống chứng nhận và thương mại quốc tế”, ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc HALCERT Malaysia, khẳng định.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, bộ đang chủ động xây dựng mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống mà còn hướng tới những khu vực tiềm năng mới, đặc biệt là thị trường Halal. Đây được xem là chiến lược thiết yếu nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, đồng thời ứng phó linh hoạt với biến động thương mại toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục