Ứng phó bão số 2: Còn gần 15.000 khách du lịch trên các đảo

Tính đến chiều 22-7, nhiều khách du lịch trên các đảo ở Hải Phòng, Quảng Ninh đã theo tàu trở về bờ. Tuy nhiên, vẫn có gần 15.000 khách ở lại đảo, các địa phương cho biết đã thông tin cho khách du lịch về tình hình mưa và bão số 2.

Bão số 2 tăng cấp và có "đĩa mây" rất lớn

Đến chiều 22-7, bão số 2 (Prapiroon) đã có dấu hiệu tăng thêm 2 cấp, mạnh hơn so với dự báo trước đó. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, khoảng sáng 23-7, tâm bão sẽ đổ bộ đất liền, mức độ ảnh hưởng đã được “kích hoạt” với toàn miền Bắc và tỉnh Thanh Hóa.

Dự báo, tâm bão nằm ở khu vực TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) của Việt Nam và một phần tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.

Ghi nhận của Báo SGGP, đến chiều 22-7, từ khu vực tỉnh Quảng Ninh đến TP Hải Phòng đã có mưa nhỏ cục bộ và trời nhiều mây, nhưng các hoạt động giao thông, mua sắm, sinh hoạt… ở TP Hạ Long, TP Móng Cái... vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, tâm điểm của mưa là từ đêm 22-7 đến hết ngày 23-7. Hoàn lưu bão có thể gây mưa to diện rộng (cao nhất tới hơn 300mm) ở khu vực Đông Bắc bộ và khoảng 200m ở các khu vực còn lại của Bắc bộ. Tại Hà Nội cũng có thể mưa hơn 100mm.

IMG_0726.jpeg
Bão số 2 với đĩa mây rất lớn trên vịnh Bắc bộ chiều 22-7

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, bão số 2 sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ không yếu đi mà mạnh hơn và có xu hướng xuống phía Nam, gặp nhiệt độ mặt biển ấm đã tạo ra một “đĩa mây” rất lớn, đồng thời hình thành “mắt bão”. Do đó, đây là cơn bão nguy hiểm. Khi vào đất liền, bão vẫn gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 nên các địa phương cần phải đề phòng hoàn lưu mưa to sau bão.

Các địa phương đang cấp tập ứng phó bão số 2

Ghi nhận của PV Báo SGGP, chiều 22-7, hàng loạt tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó khi bão mạnh lên. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa… tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 12 giờ trưa 22-7 (chỉ cấp phép cho các tàu được chạy từ các đảo về đất liền để tránh trú bão trước 16 giờ ngày 22-7). Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tạm ngừng cấp phép cho tàu du lịch biển, không cho tàu lưu trú qua đêm tại các địa điểm du lịch trên biển như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 2 tại TP Móng Cái (tâm điểm của bão số 2).

IMG_0730.jpeg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đi kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó bão số 2 tại TP Móng Cái ngày 22-7. Ảnh: CTV

Cập nhật đến chiều 22-7 từ Ban Quản lý vịnh Hạ Long, toàn bộ khách du lịch tham quan vịnh đều đã về bờ an toàn. Còn Cảng vụ Đường thủy nội địa và Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh thông tin, do vẫn đang mùa du lịch và Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều địa điểm - tuyến du lịch đảo nên tính đến ngày 22-7, có hơn 3.500 khách du lịch trên các đảo. Đến chiều 22-7, các đơn vị vẫn tiếp tục di chuyển khách về đất liền để tránh bão. Đối với một số du khách có nhu cầu ở lại đảo, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và chính quyền các huyện đảo, xã đảo đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo, đảm bảo an toàn.

IMG_0729.jpeg
Ngày 22-7, nhiều tàu thuyền đã về cảng ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) neo buộc tránh bão số 2. Ảnh: Mongcai.gov

* Còn tại TP Hải Phòng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng đã ra thông báo tạm dừng các hoạt động giao thông đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã yêu cầu các đơn vị không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để phòng chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ra công văn yêu cầu đảm bảo an toàn cho các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ở khu vực huyện Kim Sơn.

* Tại tỉnh Nam Định, do nước sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ đều đang lên cao, nếu tiếp tục có mưa lớn sẽ gây ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ban hành công văn yêu cầu rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ở vùng ven sông có nguy cơ ngập lụt; đồng thời yêu cầu kêu gọi toàn bộ người dân tại các chòi canh thủy sản ở huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu… trở về tránh bão (hoàn thành trước 17 giờ ngày 22-7).

IMG_0724.jpeg
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (Móng Cái - Quảng Ninh) giúp người dân chằng néo tàu thuyền tránh bão số 2. Ảnh: X.H

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, chiều 22-7, Bộ NN-PTNT đã thành lập 2 đoàn công tác đến tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo ứng phó cơn bão số 2. Trong đó, một đoàn do Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận làm trưởng đoàn, xuất phát từ chiều 22-7, đã có mặt ở tâm bão Móng Cái; một đoàn do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn, dự kiến xuất phát từ sáng sớm 23-7.

Theo báo cáo cập nhật đến 17 giờ chiều 22-7 từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, gió thực tại đảo Bạch Long Vỹ đã lên cấp 8, giật cấp 10.

Tính đến 17 giờ ngày 22-7, các đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn: 47.676 tàu với 192.818 người tránh bão số 2. “Hiện toàn bộ tàu thuyền ở Quảng Ninh, Hải Phòng đã vào nơi tránh trú”- báo cáo cho biết, 5 địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã cấm biển.

Ông Đoàn Mạnh Phương, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết, cập nhật đến 16 giờ ngày 22-7 còn 1.959 khách ở lại trên các tuyến đảo (đảo Cô Tô: 957 người, đảo Quan Lạn: 479 người, đảo Minh Châu: 489 người, đảo Ngọc Vừng: 34 người…). Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú đảm bảo nơi ăn ở chu đáo cho những du khách này.

Còn tại TP Hải Phòng theo báo cáo gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vào hồi 16 giờ 30 ngày 22-7, chỉ riêng trên huyện đảo Cát Hải vẫn còn tới 14.060 khách lưu trú - tại khu du lịch đảo Cát Bà (trong đó 2.271 khách quốc tế, 11.789 khách trong nước).

IMG_0733.jpeg
Nhiều khách du lịch rời đảo Cát Bà từ sáng 22-7 nhưng bị kẹt lại ở bến phà. Ảnh: ANHP
IMG_0732.jpeg
Khách du lịch đang bị kẹt lại ở khu du lịch đảo Cát Bà ngày 22-7. Ảnh do người dân chia sẻ

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, trong số này, có nhiều du khách đã lên đường rời đảo nhưng bị kẹt lại do phà và cáp treo Cát Bà đã được lệnh tạm ngưng hoạt động ngày 22-7. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết, những khách du lịch này đã được thông tin về diễn biến của bão số 2. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại đảo Cát Bà đã giảm 50% giá phòng để hỗ trợ du khách không thể về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.

Tối 22-7, Quảng Ninh bắn pháo hiệu báo bão số 2

Chiều 22-7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về việc ứng phó với cơn bão số 2 dự kiến đi vào địa bàn tỉnh này từ tối cùng ngày. Theo đó, để ứng phó với cơn bão này, các địa phương và lực lượng vũ trang ở Quảng Ninh đã huy động khoảng 1.228 cán bộ chiến sĩ xung kích phòng chống thiên tai, 27 ô tô các loại, 10 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu 3, Bộ Quốc phòng gồm có 1.435 cán bộ chiến sĩ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

11.jpg
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão số 2

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 12 giờ trưa cùng ngày. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại Cô Tô, Vạn Gia, Ngọc Vừng từ tối 22-7.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục