Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019-2025” do UBND TPHCM tổ chức vào tháng 3-2019 như “phát pháo” đầu tiên khẳng định cho chiến lược đầu tư nghiên cứu AI bài bản tại TPHCM. Chúng tôi đã trao đổi với ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM, về những bước chuẩn bị, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của thành phố nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng AI.
PHÓNG VIÊN: Nhiều giải pháp, gợi ý của các nhà học khẳng định hướng phát triển đúng đắn của TPHCM nếu đầu tư cho AI. Với một đô thị lớn, có vị trí kinh tế - xã hội quan trọng như TPHCM, theo ông, việc phát triển AI nên theo hướng nào?
Ông DƯƠNG ANH ĐỨC: TPHCM đang trong giai đoạn đầu tiên nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện cho ứng dụng, phát triển AI. Thời gian cần thiết cho quá trình chuẩn bị này cần ít nhất 5 năm. Do đó, Chương trình nghiên cứu và phát triển AI nên thực hiện từng bước, với lộ trình thích hợp điều kiện của thành phố như: Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ (KH-CN) về AI. Thành lập Ban điều hành Chương trình hợp tác về nghiên cứu ứng dụng AI với thành phần chính là các chuyên gia bên ngoài.
Ở đây cần dành nguồn lực ưu tiên cho Chương trình nghiên cứu và phát triển AI, có chính sách, cơ chế tài chính phù hợp, kịp thời và minh bạch. Ban hành chính sách hỗ trợ, thí điểm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu vào thực tế sản xuất và xã hội tại thành phố. Tiếp theo là nghiên cứu và chọn lựa đối tác chiến lược với thành phố về triển khai Chương trình nghiên cứu và phát triển AI trên nguyên tắc lợi ích bình đẳng giữa các bên tham gia; xây dựng và khai thác có hiệu quả kho dữ liệu dùng chung… và chuẩn bị hạ tầng viễn thông, máy tính chất lượng để có thể lưu trữ, chuẩn hóa lượng dữ liệu lớn phục vụ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Ông có thể nói chi tiết hơn về Chương trình nghiên cứu và phát triển AI của TPHCM?
Việc ứng dụng công nghệ AI vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính được lãnh đạo thành phố đánh giá là yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng TPHCM nhanh chóng trở thành đô thị thông minh. Do đó, tôi xin đề xuất một số ý kiến về tầm nhìn Chương trình nghiên cứu và phát triển AI như sau:
Đầu tiên, tập trung nguồn lực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai; đến năm 2025, TPHCM là trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tiếp theo, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là trung tâm thu hút chuyên gia giỏi, trình độ cao trong khu vực châu Á về nghiên cứu, làm việc, giảng dạy. Kế tiếp là xây dựng và phát triển nguồn cơ sở dữ liệu dùng chung “sạch”, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông hiện đại, đồng bộ, đầu tư, vận hành các siêu máy tính và hệ thống các phần mềm chuyên dụng trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, viễn thông và xử lý tín hiệu. Như thế đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong tất cả các ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông.
Dù phát triển AI theo hướng nào cũng sẽ phục vụ việc xây dựng đô thị thông minh. Như vậy, ứng dụng AI cho đô thị thông minh sẽ như thế nào, thưa ông?
Một số lĩnh vực quan trọng, có tác động trực tiếp và diện rộng tại TPHCM sẽ được tập trung triển khai, ứng dụng AI trong những năm tới.
Trong lĩnh vực giao thông thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông, thông qua việc thu thập đầy đủ dữ kiện giao thông, phân tích hành vi giao thông, dự báo sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. Từng bước nghiên cứu và thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nghiên cứu phát triển phương tiện không người lái (autonomous vehicles), bước đầu xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện (V2V), phương tiện và cơ sở hạ tầng (V2I và I2V), phương tiện và trung tâm (V2C và C2V) và giữa các thiết bị hạ tầng với nhau (I2I).
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng. Ứng dụng công nghệ camera AI giải quyết bài toán đo đếm, phân loại xe; đếm số lượng xe; quan sát giao lộ giao thông tự động điều khiển đèn tín hiệu...
với nhu cầu dân sinh trong nước Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ AI trong Internet vạn vật (AI IoT) giải quyết các bài toán quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí, môi trường, cảnh báo ngập dựa trên nền tảng sensor kết nối camera.
Trong lĩnh vực an ninh - trật tự xã hội, ứng dụng công nghệ camera AI giải quyết các bài toán như nhận diện khuôn mặt trên cơ sở dữ liệu có sẵn; cảnh báo hành vi bạo lực; cảnh báo cột khói - camera tầm cao; tự động đeo bám đối tượng, phương tiện theo yêu cầu; phân tích chọn lựa những camera khu vực xảy ra sự cố.
ừ hội thảo vào tháng 3, nhất là sau khi đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có chỉ đạo thành lập Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI TPHCM, đến nay, việc triển khai thực hiện đã như thế nào thưa ông?
Ngay sau khi hội thảo lần thứ nhất kết thúc, Sở TT-TT TPHCM đã thông báo và đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, đề cử các chuyên gia đang nghiên cứu, hoạt động, làm việc trong lĩnh vực AI tham gia ban điều hành chương trình. Sở TT-TT dự kiến trình báo cáo UBND TPHCM xem xét, thành lập ban điều hành trong tháng 5. Trước mắt, Sở TT-TT đã đề cử 3 chuyên gia từ các trường: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ thông tin TPHCM tham gia đoàn công tác tại CHLB Đức cùng đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân để tìm hiểu, thu thập thông tin, đề xuất kế hoạch triển khai Chương trình nghiên cứu và phát triển AI cụ thể trong giai đoạn 2019-2020.
Ban điều hành chương trình sẽ hoạt động theo quy chế rõ ràng. Thành phần ban điều hành được đề xuất, chọn lọc từ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, kể cả chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, TPHCM sẽ chọn đối tác chiến lược để tư vấn, đồng hành cùng thành phố trong quá trình hoạch định chiến lược, kế hoạch triển khai Chương trình nghiên cứu và phát triển AI. Do đó, tính chất minh bạch, rõ ràng, công tâm là yếu tố hàng đầu mà lãnh đạo TPHCM cam kết ngay từ ban đầu. Với tinh thần hết sức cởi mở, cầu thị, lãnh đạo thành phố mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đóng góp, đề xuất các giải pháp mới, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới.
Ông Dương Anh Đức cho biết thêm: “Hiện nay, hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM tập trung tại các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế…) và các trường đại học ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải…). Do đó, việc thống kê, đánh giá kết quả từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp… là rất cần thiết và cần làm ngay trong giai đoạn đầu của Chương trình nghiên cứu và phát triển AI”. |