TS TÂN HẠNH - Học viện Bưu chính Viễn thông:
3 xu hướng lớn của hệ sinh thái AI
AI không còn là lĩnh vực trong nghiên cứu mà được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống và xã hội. Ba xu hướng lớn của hệ sinh thái AI được nhận biết: Một là, tính công nghiệp của AI được đặc trưng bởi sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp trong hệ sinh thái AI và sự đầu tư vào AI. Số lượng doanh nghiệp trong hệ sinh thái AI đã tăng gấp đôi năm 2017.
Theo Quid, số lượng doanh nghiệp tăng từ 2.809 lên 6.955, tăng 250%. Đầu tư và số lượng nhà đầu tư AI tăng nhanh chóng. Cả năm 2018 có 1.027 đầu tư với tổng giá trị 10,5 tỷ USD, so với 1.993 đầu tư với tổng giá trị 10,2 tỷ USD trong cả thập niên qua. Các lĩnh vực được nhận đầu tư là nhận dạng hình ảnh, gương mặt, ô tô tự lái, công nghệ tài chính (FinTech)…
Hai là, khả năng sử dụng AI dễ dàng hơn đã định hướng cho việc ứng dụng nó nhanh chóng. Sự sẵn sàng của các công cụ AI, đặc biệt là các ứng dụng Deep Learning như nhận dạng giọng nói, gương mặt, cho phép sử dụng rộng rãi công nghệ AI phức tạp. Ngày nay, một nhà phát triển phần mềm có thể truy xuất vào dịch vụ AI trên điện toán đám mây của các doanh nghiệp lớn như Google, Microsoft, IBM...
Ba là, tích hợp AI trở thành một “chuẩn mới”. Công nghệ AI được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực nhằm tăng sự thông minh như chăm sóc sức khỏe, bất động sản, marketing, sản xuất, nông nghiệp, giao thông...
Ông PHẠM THẾ TRƯỜNG - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam:
Chậm chân sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh
Để sáng tỏ vai trò của AI, Microsoft và IDC đồng công bố kết quả của cuộc khảo sát về tầm ảnh hưởng của trí thông minh nhân tạo (AI) trên 3 phương diện: xã hội, thương mại và kinh tế. Tham gia thực hiện cuộc khảo sát có hơn 1.600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 1.580 người lao động của 15 thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ khảo sát này cho thấy: Dù có đến 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý rằng AI là chìa khóa mang lại ưu thế cạnh tranh, song chỉ có khoảng 41% các tổ chức trong khu vực đã bắt đầu hành trình ứng dụng AI. Ưu thế cạnh tranh của những tổ chức này ước tính sẽ tăng 100% vào năm 2021, đây như là xu thế bắt buộc.
Công nghệ AI sẽ không thể thực hiện nếu không có con người. Điều này có nghĩa để có một tương lai AI, con người cần phải học hỏi và trau dồi những kỹ năng số cần thiết cho chính mình. Các công việc trong tương lai sẽ khác nhiều so với các công việc hiện nay.
Chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng, tuyển dụng kỹ sư phần mềm đã không còn là nhu cầu của riêng các công ty công nghệ. Mặc dù vậy, để xây dựng một lực lượng lao động cho kỷ nguyên AI, kỹ năng về kỹ thuật không phải là kỹ năng duy nhất cần phải đào tạo. Với AI, có thể nói rằng, chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh.
GS-TSKH HỒ TÚ BẢO - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán:
Kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung
Đề cập về việc nghiên cứu và ứng dụng AI ở TPHCM, thành phần cần xây dựng hạ tầng số vững chắc như kỹ thuật máy, mạng; dữ liệu kết nối, chia sẻ; ứng dụng big data, AI…
Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực AI của thành phố; trong đó, điều chỉnh chương trình đào tạo AI ở các trường của thành phố, đào tạo kỹ năng và kiến thức mới cho người lao động, trang bị kiến thức AI đại chúng cho cán bộ thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia AI của thành phố, kết nối hiệu quả với chuyên gia AI người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng, kết nối và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở và liên kết của chính quyền…
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM:
Đào tạo các ngành cần bao quát, liên kết nhiều hơn
Ở Việt Nam, trong vài năm nữa việc ứng dụng AI và tự động hóa sẽ phổ biến sâu rộng hơn, ngay cả trong các tác vụ hiện vẫn do con người đóng vai trò chủ đạo như tương tác, truyền thông, điều phối, quản trị, tư vấn, tư duy và ra quyết định.
Khi AI phát triển, công việc của con người trong tương lai cũng sẽ tồn tại trong vai trò hoàn toàn mới và yêu cầu phải có chuyên môn về công nghệ mới, đặc biệt là nhu cầu tăng cao về lực lượng lao động kỹ thuật cao như chuyên gia AI và công nghệ học máy (Machine Learning), phân tích dữ liệu lớn, chuyên gia xử lý tự động hóa và robot, chuyên gia phân tích bảo mật thông tin, thiết kế giao diện thực/ảo người dùng và tương tác người - máy, kỹ sư robot và chuyên gia về thuật toán chuỗi khối trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Trong các trường ĐH, với thế hệ những người lao động công nghệ cao trong kỷ nguyên số, đó là những sinh viên hiện nay cần được đào tạo đặc biệt với những kiến thức về công nghệ cập nhật hơn và phương pháp giảng dạy cũng cần được thay đổi khi kiến thức loài người, đặc biệt về công nghệ, đang tăng nhanh một cách chóng mặt.
Khác với thời kỳ trước, quá trình đào tạo ở trường ĐH cần phải khác hơn cả với giảng viên và sinh viên, quá trình đào tạo các ngành cần phải bao quát hơn, liên kết nhiều ngành nghề hơn, chuyển đổi các ngành nghề cũng phải linh hoạt và cập nhật, đồng thời tạo ra những kết nối khác thường và bất ngờ giữa những lĩnh vực khác nhau.
PGS-TS THOẠI NAM - Trường Đại học Bách khoa TPHCM:
Cần giải quyết tốt các thách thức về dữ liệu
Hiện nay, AI được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như: an ninh công cộng, giao thông thông minh, sản xuất, thương mại điện tử… Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của AI, các tổ chức cần phải giải quyết tốt thách thức về dữ liệu, hệ thống tính toán, con người, sự sẵn sàng chấp nhận của cộng đồng sử dụng.
Cụ thể, cần đầu tư và cộng tác giữa các trường, viện và các đơn vị sở hữu dữ liệu khác, giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội tiếp cận với dữ liệu. Đồng thời, xây dựng hệ thống tính toán mạnh để nhanh chóng cho ra đời các thực thể thông minh.
Mặt khác, trong bối cảnh AI cần được giới thiệu và ứng dụng cho các ngành khác nhau, các tổ chức đào tạo nên xem xét lại việc cấu trúc chương trình đào tạo cho phù hợp hơn, có tính liên ngành và tính cộng tác hơn, cũng như đánh giá và nâng cấp chương trình đào tạo liên thông và thống nhất để đào tạo nguồn nhân lực.