Nền tảng này cho phép các lập trình viên tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên với ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là chatbot (giúp tự động gắn kết với khách hàng), dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói (ứng dụng trong tổng đài tự động); xử lý ảnh và tài liệu (ứng dụng trong nhận dạng các loại giấy tờ tùy thân và nhận diện khuôn mặt). Không chỉ có FPT, hiện nay nhiều doanh nghiệp khác đã vào cuộc nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI.
LTS: Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 - 2025” được UBND TPHCM tổ chức vào tháng 3-2019 đã nhấn mạnh khái niệm vai trò, vị trí của AI đối với sự phát triển của thành phố, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu về AI, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Đến nay, việc ứng dụng, phát triển AI như thế nào tại TPHCM là điều người dân rất quan tâm. Để làm rõ những ưu việt của ứng dụng AI vào đời sống và thúc đẩy AI trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống” với những ghi nhận thực tế, góc nhìn của chuyên gia, đóng góp giải pháp để đưa AI sớm trở thành hiện thực tại TPHCM. |
AI hiện đã có mặt ngay trong đời sống người dân Việt Nam. Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số giữa FPT và Grab, ứng dụng AI thể hiện khá rõ ràng.
Grab tổng hợp và đóng góp nguồn dữ liệu ẩn danh từ thiết bị định vị GPS của 3 tỷ chuyến xe đã được thực hiện trên nền tảng Grab từ năm 2012 tới nay. Phía FPT cùng phát triển một cổng thông tin giám sát giao thông theo thời gian thực tại một số thành phố lớn của Việt Nam, phục vụ rất lớn cho nhu cầu lưu thông và đưa ra các giải pháp phân tích, cảnh báo cũng như các phát triển ứng dụng khác từ AI.
Tập đoàn VNPT cũng đã chủ động đầu tư nhân lực, nguồn lực để làm chủ rất nhiều công nghệ AI. Đáng chú ý, VNPT đã triển khai công nghệ AI trên ứng dụng quản lý đăng ký và cập nhật thông tin thuê bao SMCS Mobile. Theo chia sẻ của VNPT, ứng dụng SMCS Mobile là bước đi tiên phong của một tập đoàn công nghệ Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ AI vào thực tiễn quản lý thông tin thuê bao, hạn chế tối đa hiện tượng SIM rác.
VNPT cũng cho biết, với công nghệ AI, việc đăng ký thông tin thuê bao sẽ chỉ mất tối đa 5 giây so với nhiều công đoạn thao tác thủ công trước đây. Công nghệ AI này sẽ tự động bóc tách toàn bộ dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử.
Không đứng ngoài sân chơi, Viettel đang phát triển mạnh dựa trên AI phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu, biến những giá trị thông tin thành tài sản quý giá không chỉ cho Viettel mà còn thành thông tin giá trị phục vụ cho các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó, Viettel nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain, ứng dụng in 3D vào việc sản xuất các linh kiện khó, đặc biệt trong các sản phẩm của Viettel. Tập đoàn Viettel cũng vừa ra mắt nhóm sản phẩm đưa AI vào phục vụ các vấn đề xã hội. Trong lĩnh vực y tế, giải pháp phân tích và chẩn đoán bất thường qua ảnh siêu âm đang được Viettel hoàn tất các thử nghiệm cuối cùng trong phòng thí nghiệm, đó là giải pháp chẩn đoán qua hình ảnh hỗ trợ người bệnh và các bác sĩ 24/7.
Giai đoạn hiện nay, Viettel tập trung vào phân tích bất thường trong hệ thống tiêu hóa - lĩnh vực nổi cộm ở Việt Nam nhưng lại thiếu giải pháp của nước ngoài…
Một sản phẩm khá cụ thể là ứng dụng AI chống tấn công theo kịch bản của Tập đoàn công nghệ Bkav. Phần mềm diệt virus Bkav 2019 tích hợp Công nghệ chống tấn công theo kịch bản SAP (Scenario Attacks Prevention). AI của Bkav 2019 tự động phân tích, phát hiện sớm và ngăn chặn các hình thức tấn công theo kịch bản, có chủ đích như tấn công gián điệp nằm vùng APT, tấn công mã hóa dữ liệu, tấn công đào tiền ảo. |
Tiến sĩ Đào Thanh Bình, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu của Tập đoàn Rakuten Inc. (Nhật Bản), cho biết: “AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, nhà thông minh, công nghệ tài chính, đối thoại tự động và Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người, cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác”.
Tiến sĩ Đào Thanh Bình cho rằng, AI được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI.
Làn gió mới từ VinAI Research
Vào tháng 4-2019, sự kiện Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo - VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech) đã làm nóng lên “thế giới AI” tại Việt Nam.
TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI Research, cho biết: Mục tiêu của VinAI Research là xây dựng lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho tập đoàn nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho tập đoàn hoặc các đối tác.
Các nghiên cứu tại viện sẽ tập trung vào những vấn đề khoa học cơ bản trong AI, mà ở đây cốt lõi là thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong các lĩnh vực xử lý và hiểu ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng...
Theo TS Bùi Hải Hưng, sắp tới sẽ có một lực lượng nòng cốt các giáo sư bên Mỹ về tham gia vào Lab của VinAI Research cùng với các nhà khoa học Việt Nam. Viện nghiên cứu AI muốn liên kết bình đẳng với các Lab nổi tiếng về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Ở bước dài hơi, ông sẽ cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình AI Residency nhằm thu hút người trẻ tài năng trong các trường đại học ở Việt Nam hoặc vừa tốt nghiệp, trao cho họ cơ hội cùng nghiên cứu với những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo của VinAI Research.
Theo chương trình này, một đội ngũ khoảng 30 người có kinh nghiệm dày dạn làm nghiên cứu đỉnh cao trên thế giới, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài sẽ được tuyển chọn. Hàng năm, chương trình này có thể tuyển vài chục sinh viên giỏi nhất của Việt Nam. Những sinh viên này sẽ làm việc với viện trong khoảng 2 năm. Như vậy đến năm thứ 2 sẽ tập hợp được khoảng 50-80 sinh viên.
Nhóm sinh viên này sẽ được 30 người đã nghiên cứu đỉnh cao hướng dẫn. Lộ trình cuối cùng là nghiên cứu ở bậc tiến sĩ (PhD). Với kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được khi cộng tác ở viện, những thực tập sinh này hoàn toàn có khả năng nắm cơ hội làm việc ở những cơ sở đỉnh cao của thế giới và từ đó trở thành đầu tàu về AI…
TS Bùi Hải Hưng cho biết, khi về Việt Nam để phát triển Viện Nghiên cứu AI, bản thân ông muốn xây dựng được một môi trường, thậm chí đưa cả người nước ngoài về làm việc, nghiên cứu như ở nước ngoài. Các nhân lực tinh hoa sẽ được thu hút và phát triển tại viện này. Những phòng Lab đẳng cấp hàng đầu thế giới đang được thực hiện, hướng tới công trình công bố quốc tế.
Trong giới khoa học AI, hàng năm đều có những hội thảo hàng đầu, ở đó mọi người sẽ đưa ra các kết quả nghiên cứu, những phát minh về công nghệ AI. “Khi Viện Nghiên cứu AI của chúng tôi có những công trình được công bố tại đó sẽ chứng tỏ dấu ấn, sẽ vinh danh 2 chữ Việt Nam trên bản đồ công nghệ AI”, TS Bùi Hải Hưng hào hứng cho biết.
Điều trị ung thư với AITại TPHCM, Bệnh viện (BV) Ung bướu đã tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh. Đó là phần mềm trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology” do Tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, hiện đã được triển khai áp dụng ở 230 BV của 13 nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… Phần mềm AI này tập trung hỗ trợ điều trị 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. BV Ung bướu thử nghiệm phần mềm này với trên 100 bệnh nhân ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Kết quả, tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của BV và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%. Phần mềm AI hỗ trợ hầu hết các giai đoạn trong chẩn đoán, điều trị 2 loại ung thư này. Mức độ tương đồng cao nhất giữa phác đồ điều trị của BV và phần mềm AI trong ung thư vú là ở giai đoạn II, III, còn trong ung thư đại trực tràng mức độ tương đồng cao nhất là giai đoạn IV. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết, cơ sở dữ liệu của hệ thống dựa trên thực tế điều trị ung thư tại Mỹ, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh; giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia (Tumor board). Phần mềm tỏ ra ưu việt, dễ sử dụng, tuy nhiên chưa có phiên bản tiếng Việt, chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn của Việt Nam, như đặc thù của các bệnh viện (cơ sở vật chất, danh mục thuốc và quá tải) và của người bệnh (địa lý, tài chính, chế độ bảo hiểm y tế…); không thay thế được bác sĩ khi ra quyết định điều trị... nên vẫn phải từng bước hoàn thiện, bổ sung dữ liệu. |