Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Nhằm giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, ngành y tế và doanh nghiệp có thêm thông tin về các xu hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngày 29-9, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và công nghệ TPHCM (thuộc Sở KH-CN TPHCM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xu hướng trí tuệ nhân tạo phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM, quy mô thị trường ứng dụng AI phục vụ chăm sóc sức khỏe được dự đoán tăng trưởng từ 14,6 tỷ USD năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD vào năm 2028.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, y bác sĩ cho rằng, AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, y bác sĩ cho rằng, AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học

Tại Việt Nam, gần đây ngành y tế đã bắt đầu quan tâm đến công nghệ thông tin và số hoá hoạt động, trong đó, đề ra 9 nhiệm vụ nhằm nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho người dân như: ứng dụng trợ lý ảo, cảnh báo dịch bệnh thông minh, phát hiện ung thư bằng trí tuệ nhân tạo… Nhiều sản phẩm ứng dụng AI đã được Bộ Y tế cho thí điểm để chẩn đoán 13 loại ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phú Thọ…

Dù chưa phát triển mạnh, nhưng ứng dụng AI trong ngành y tế đang dần trở thành xu hướng và có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Trên thế giới, các sáng chế về AI trong ngành y tế bắt đầu phát triển mạnh vào năm 2014, nhiều nhất tại Trung Quốc (chiếm gần 50% các sáng chế). Hay trong đợt dịch Covid-19, số lượng sáng chế ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ứng dụng AI tăng đột biến, như chuẩn đoán hình ảnh, robot y tế, cảnh báo dịch bệnh thông minh… Tại Việt Nam, đến tháng 8-2023 đã có 33 sáng chế được đăng ký bảo hộ, trong đó có 16 sáng chế do người Việt nghiên cứu.

GS-TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu - Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), cho biết, ngành trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh trong những thập kỷ gần đây, nhiều nhất là học máy, hay ứng dụng AI trong ngành y tế để bổ trợ cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang phát triển hệ thống bệnh án điện tử bằng công nghệ lõi, dự án được thực hiện tại Đại học Quốc gia TPHCM từ năm 2016-2021. Trong đó, chú trọng phát triển công cụ thu thập dữ liệu, khai thác bệnh án điện tử, sử dụng AI để phân tích dữ liệu y học, xử lý văn bản lâm sàng, chuyển bệnh án điện tử thành dữ liệu chung dưới dạng số và văn bản….

PGS-TS Phạm Thị Thu Hiền, Khoa Kỹ thuật Y sinh - Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội thảo

PGS-TS Phạm Thị Thu Hiền, Khoa Kỹ thuật Y sinh - Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội thảo

Theo PGS-TS Phạm Thị Thu Hiền, Khoa Kỹ thuật Y sinh - Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học.

Với những tiến bộ gần đây trong việc thu thập dữ liệu số hóa, cơ sở hạ tầng máy học và máy tính, AI đang mở rộng sang các lĩnh vực mà trước đây được cho là chỉ dành cho các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe con người như chuẩn đoán các bệnh hiếm gặp, tìm ra các lỗ hổng trong chăm sóc y tế, giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong tương lai, sử dụng AI trong ngành y tế sẽ dần phổ biến, tương tự công nghệ thông tin đang dần thay bệnh án giấy.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, bác sĩ cho rằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, giúp xác định sớm dấu hiệu và xu hướng phát triển của từng loại bệnh. Tiềm năng của AI rất rộng, từ phân tích hình ảnh xét nghiệm để phát hiện bệnh, cho đến việc đưa ra các cảnh báo từ kết quả lưu trong hồ sơ sức khỏe điện tử. Bằng cách tận dụng AI, các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trở nên thông minh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục