CNTT-TT là ngành kinh tế chủ lực
Làm việc với lãnh đạo Tập đoàn FPT và cán bộ, nhân viên tập đoàn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sứ mệnh và những đóng góp của Tập đoàn FPT trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chia sẻ tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại những dấu mốc và quãng thời gian đất nước còn lạc hậu về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) cho tới khi phát triển như hiện nay.
Những năm 2000, khi đất nước với mong ước có 1 triệu người làm trong lĩnh vực CNTT-TT, đến nay, sau 20 năm, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp (DN) về CNTT-TT, doanh số 120 tỷ USD; riêng doanh số phần mềm đạt 5 tỷ USD, đóng góp vào GDP khoảng 14,5%. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây là một trong những ngành có đóng góp GDP lớn của cả nước: “Với Việt Nam, CNTT-TT là một ngành kinh tế chủ lực, với 1 triệu lao động, giấc mơ 20 năm đã thành hiện thực”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Với kinh nghiệm làm việc trong và ngoài nước của cán bộ, nhân viên FPT hiện tại, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, đây là một lực lượng hùng hậu, do đó, thời gian tới cần có một cuộc hội thảo tầm quốc gia về AI, về cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc hội thảo này để các DN về CNTT-TT ngồi lại với nhau là vô cùng ý nghĩa. Việc này, TPHCM sẵn sàng đăng cai để tổ chức hội thảo.
DN cần cung cấp giải pháp số hóa chi phí thấp
Trao đổi thêm với chủ đề về số hóa và AI, trước những băn khoăn về việc nên làm toàn diện tại 63 tỉnh, thành hay lựa chọn các trung tâm để thực hiện, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm, ở giai đoạn hiện tại nên tập trung số hóa tại các thành phố, trung tâm lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những nơi đó. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn số liệu của TPHCM để thấy sự phát triển không đồng đều và cần đầu tư trọng điểm.
Cụ thể, TPHCM có dân số khoảng hơn 9 triệu người với diện tích hơn 2.000km2, cứ 5 năm tăng 1 triệu người. Do đó, TPHCM dựa vào con người để phát triển kinh tế, không thể dựa vào đất đai. Năng suất lao động TPHCM gấp 2,8 lần cả nước; 1km2 ở TPHCM tạo ra giá trị gia tăng gấp 38 lần bình quân cả nước; về thuế, 1km2, TPHCM đóng thuế gấp 44 lần bình quân cả nước.
“Cường độ kinh tế ở TPHCM gần như ở ngưỡng bão hòa. Nếu phát triển chỉ dựa vào người và đất sẽ khó phát triển mà cần dựa vào người nhưng làm sao tốn ít đất. Đó không phải là sản xuất công nghiệp mà là dịch vụ. Chính những dịch vụ như: phần mềm, số hóa, AI là những dịch vụ có thể chồng lên nhau”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói và cho hay TPHCM buộc phải phát triển dựa trên dịch vụ, AI để tạo ra giá trị gia tăng cao, lúc đó mới duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Trong bối cảnh áp lực nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM xác định phải giải quyết được “đầu bài” về dân số tăng, về nước biển dâng, phát triển dịch vụ như thế nào, công nghiệp gì, chọn ngành gì và tạo ra sản phẩm gì; cùng với đó là bài toán về nhà ở, giao thông… Nhưng, “đầu bài” trên không thể giải quyết được bằng những công cụ “cầm tay” mà cần nhanh chóng để chuyển đổi và thích ứng.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, Việt Nam muốn số hóa nhanh thì các DN phải ngồi lại với nhau để cung cấp các giải pháp số hóa, ứng dụng AI để số hóa nhanh với chi phí thấp. “FPT có thể là những ứng cử viên để số hóa toàn bộ hoạt động của chính quyền TPHCM, từ dữ liệu nhà đất, y tế, giáo dục, vận tải, dân số. Nếu có dữ liệu xã hội sẽ có đầu vào rất tốt”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Muốn đổi mới để phát triển, đặc biệt là áp dụng AI, chuyển đổi số… thì sự tham gia của các DN cùng với Chính phủ, địa phương và các ngành là rất cần thiết. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để làm được việc đổi mới trước hết phải nhận thức được việc cần phải làm. Việc đó có thể nhà khoa học, DN thấy cần nhưng chính quyền, cấp ủy chưa nhận ra, vì thế, DN cần giúp chính quyền nhận ra. Hiện, TPHCM đã hình thành các hội đồng phát triển ở từng lĩnh vực khác nhau, trong hội đồng có nhà nước, nhà khoa học, DN để tận dụng trí tuệ các bên.
Qua cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn FPT nên tham gia vào hội đồng tư vấn về AI của TPHCM; FPT nên trở thành đơn vị dẫn dắt trong việc cung cấp giải pháp AI để số hóa TPHCM với chi phí thấp; TPHCM mong FPT cùng tham gia hình thành trung tâm tính toán hiệu năng cao…
Nhấn mạnh tới không gian sinh thái để đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển và ứng dụng AI, chuyển đổi số…, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hiện tại, ở TPHCM các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu: “Ở các quận đó, có người nghiên cứu, đào tạo trình độ cao; có nơi ứng dụng phát triển trình độ cao; có trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quy mô lớn; có môi trường sống tốt. Đây là khu đô thị sáng tạo tương tác cao của thành phố. Nếu làm tốt, khoảng 5-7 năm nữa, GDP của nơi đây sẽ chiếm 1/3 của TPHCM và lớn hơn GDP của Đồng Nai và Bình Dương”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và mong thời gian tới FPT sẽ hiện diện trong khu vực này ở từng phân khu. |