Do đó, việc tạo ra chuỗi hoạt động giới thiệu ngành máy nông nghiệp Ý, Ấn Độ đến Việt Nam đang được cơ quan hữu quan và các tổ chức xúc tiến tăng cường triển khai. Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, giúp nông dân Việt Nam tiếp cận được những máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại.
Thị trường tiềm năng
Hiện nay, một trong những thách thức không chỉ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, mà cả ở những quốc gia khác là tình trạng thiếu hụt nguồn lao động do bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Trong đó, nhiều nước đã chọn giải pháp ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để giải quyết áp lực về lao động, tạo ra hướng đi mới, tiềm kiếm cơ hội tăng năng suất, nên Việt Nam cũng có thể thực hiện mô hình này để phát triển ngành nông nghiệp trong nước.
Phân tích cụ thể, ông Jasmeet Singh, Trưởng ngành Nông nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), cho hay ngành nông nghiệp Ấn Độ đã cơ giới hóa được 40% so với trước đây. Không chỉ vậy, hiện có khoảng 50% tổng số lượng máy kéo trên toàn thế giới do Ấn Độ sản xuất. Thời gian qua, Ấn Độ đã ứng dụng thành công những mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ phù hợp với Ấn Độ, mà có thể triển khai tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, ông Jasmeet Singh, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực mà Ấn Độ nỗ lực xúc tiến ngành máy nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa và ứng dụng của các sản phẩm này. Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu máy nông nghiệp Ấn Độ.
Cùng quan điểm, bà Carlotta Colli, Tổng Lãnh sự Ý tại TPHCM, nhận định: “Việt Nam là đất nước đang phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp, là thị trường tiềm năng về máy móc, công nghệ nông nghiệp cho các nước. Trong khi đó, Ý là quốc gia có thế mạnh về ngành này, nên sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa”.
Theo thống kê, hiện có hơn 65% máy nông nghiệp sản xuất tại Ý đã xuất khẩu đi hơn 180 quốc gia trên thế giới, trong đó kim ngạch xuất khẩu máy nông nghiệp Ý sang các nước ASEAN liên tục tăng từ năm 2014 - 2016 và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngành máy móc, công nghệ nông nghiệp của Ý hiện nay không chỉ tăng trưởng tích cực về số lượng mà chủng loại sản phẩm cũng rất đa dạng và được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu ngành này trên thế giới. Hầu như với bất cứ loại cây trồng hay địa hình, khu vực địa lý nào thì ngành máy nông nghiệp Ý cũng đáp ứng được. Đặc biệt, với những diện tích đất quy mô nhỏ, ngành máy nông nghiệp Ý vẫn đáp ứng và nâng cao giá trị sản xuất, canh tác.
Chuyển giao công nghệ
Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, canh tác nông nghiệp, thì hoạt động cơ giới hóa cũng được Chính phủ cùng Bộ NN-PTNT Việt Nam rất chú trọng triển khai theo hướng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện cơ giới hóa ngành nông nghiệp trong nước vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng và quá trình cơ giới hóa cũng chỉ mới ở một số khâu chứ chưa đồng bộ.
Trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến của ngành nông nghiệp Việt Nam, điểm yếu hiện nay là khâu thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Chính vì vậy, Việt Nam rất cần mang công nghệ hiện đại ứng dụng vào khâu này để nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn.
Theo một số doanh nghiệp trong nước, Việt Nam và Ấn Độ có nền nông nghiệp phát triển tương đồng và với kinh nghiệm của Ấn Độ cùng công nghệ máy nông nghiệp của Ý, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp trong tương lai, đóng vai trò quan trọng đối với việc quyết định chất lượng sản phẩm đầu ra. Nếu tăng cường kết nối các chương trình xúc tiến máy nông nghiệp với Ý và Ấn Độ thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi khắc phục những khó khăn đang cản trở quá trình cơ giới hóa ngành nông nghiệp, như tình trạng nông hộ sở hữu quy mô đất nhỏ, chọn giống cây phù hợp để cơ giới hóa và cho hiệu quả kinh tế cao... Một trong những mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam là xúc tiến các chương trình hợp tác trong và ngoài nước để hình thành những trung tâm cho thuê và kinh doanh dịch vụ máy móc, thiết bị và công nghệ cao cho nông dân. Những trung tâm này sẽ giải quyết vấn đề vốn, công nghệ cho nông dân. Thay vì phải chi số tiền lớn để tiếp cận máy móc hiện đại thì nông dân có thể thuê với chi phí rẻ hơn, phù hợp với năng lực tài chính hiện nay.
Đặc biệt, trong thời gian qua Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và nếu những cánh đồng này ứng dụng cơ giới hóa bằng máy nông nghiệp, công nghệ từ các nước tiên tiến sẽ tăng thêm năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Ông Marco Acerbi, đại diện Liên đoàn Các nhà sản xuất Máy nông nghiệp Ý, góp ý trong các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp cơ giới hóa, Nhà nước nên hướng đến những dự án hợp tác quốc tế, khai thác hiệu quả cơ hội nhận chuyển giao máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại thông qua sự điều phối của chính quyền địa phương, bởi các loại hoa màu, nông sản khác nhau cần áp dụng những loại kể cả trong từng giai đoạn canh tác. Chỉ có chính quyền địa phương và nông dân trực tiếp sản xuất mới hiểu rõ quy trình canh tác và dùng loại máy nông nghiệp nào phù hợp các điều kiện trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn.