Thừa thắng xông lên
Hiện Nhà máy nước Thủ Đức III của SWIC đang hoạt động với công suất 300.000m3/ngày. Để vận hành nhà máy, hàng năm SWIC phải tiêu thụ một khối lượng điện năng rất lớn. Điện năng sử dụng nhiều đồng nghĩa với chi phí sản xuất cũng tăng lên khi điện tăng giá. Trước tình hình đó, SWIC đã đầu tư dự án điện mặt trời để giúp giảm chi phí tiền điện, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo ông Vũ Đức Thắng, Giám đốc SWIC, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời rất thuận lợi, công ty đã tận dụng khoảng mái bằng nhà lọc của nhà máy để lắp đặt các tấm pin thu năng lượng từ mặt trời. Giai đoạn đầu công ty đầu tư 2 tỷ đồng cho dự án. Nhận thấy tính khả thi cao, công ty tiếp tục đầu tư thêm 5,5 tỷ đồng để lắp đầy các tấm pin cho phần diện tích mái bằng còn lại. Tính đến nay, với công suất thu được hơn 1.600kWh/ ngày, dự án điện Mặt trời đã giúp SWIC giảm được chi phí tiền điện mỗi năm gần 1,1 tỷ đồng.
Trong giá thành sản xuất nước, chi phí điện năng chiếm một tỷ lệ khá lớn (khoảng 15%). Vì vậy, sử dụng nguồn năng lượng xanh đã giúp SWIC tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Việc ứng dụng năng lượng xanh trong sản xuất nước cũng góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường. Ông Trịnh Văn Thái, Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, cho biết sau khi sử dụng cho các hoạt động sản xuất, phần năng lượng dư ra sẽ được đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần giảm tải trong thời điểm cao điểm cho lưới điện. Theo tính toán, với nguồn điện năng thu được như hiện nay, sau khoảng 7 - 8 năm công ty sẽ hoàn vốn đầu tư.
Sáng tạo hướng về môi trường
Chia sẻ về quyết định đầu tư dự án điện mặt trời vào sản xuất nước sạch tại đơn vị, ông Vũ Đức Thắng cho biết chỉ đơn giản vì SWIC luôn quan tâm đến môi trường và SWIC là một đơn vị sản xuất nước sạch nên phải có nghĩa vụ đóng góp cho môi trường ngày càng tốt hơn.
Chính vì ý thức đối với môi trường nên ngoài lắp đặt hệ thống điện mặt trời, từ khi thành lập đến nay, SWIC luôn chú trọng đầu tư hệ thống tái sử dụng lượng nước rửa lọc để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước mặt. Thông thường, tại khâu xử lý nước lấy từ sông về, hệ thống lọc sẽ phải súc rửa với quy trình 2 ngày một lần, bình quân mỗi lần cần 500m3 nước/bể. Hiện SWIC có 14 bể lọc, nên khi súc rửa sẽ có một lượng nước khá lớn thải ra môi trường. Nhờ hệ thống tái sử dụng nước rửa lọc này mà lượng nước chênh lệch giữa nước sông khai thác và nước sạch sản xuất chưa đến 1% (thông thường ở các nhà máy khác, tỷ lệ này là 5%). Không chỉ vậy, đối với lượng bùn thải ra từ khâu lắng lọc nước đầu vào, SWIC đang hợp tác nghiên cứu để sản xuất phân bón dùng trong trồng trọt. Nếu nghiên cứu thành công sẽ giúp công ty làm lợi mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng chi phí thuê đơn vị chở bùn đi xử lý.
Trong tất cả các hoạt động đầu tư, SWIC đều hướng đến thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong người lao động. Theo ông Vũ Đức Thắng, do môi trường làm việc tại nhà máy nước có tính ổn định cao nên dễ khiến người lao động bị “lụt nghề” nếu không chủ động sáng tạo, cải tiến sản xuất. Nhìn thấy điều ấy, Ban giám đốc SWIC đã khơi dậy tinh thần sáng tạo trong đơn vị, ở mỗi khâu làm việc đều có bộ phận ghi nhận các ý tưởng sáng tạo của người lao động. Các ý tưởng khi đưa ra, dù nhỏ cũng được lãnh đạo quan tâm, góp ý để nâng chất, hoàn thiện, cũng như tạo điều kiện, cấp kinh phí thử nghiệm và áp dụng vào thực tế. “Sáng tạo luôn xuất phát từ thực tế lao động sản xuất, chúng tôi hiểu điều đó nên tạo mọi điều kiện để anh em phát huy năng lực. Trong tất cả các sáng kiến, chúng tôi ưu tiên đầu tư những công trình thân thiện với môi trường”, ông Vũ Đức Thắng chia sẻ.