Trong giai đoạn 2016 - 2018, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.
Ngày 1-11, Hội thảo quốc gia lần thứ III về ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Cục NLNT (Bộ KH-CN), Cơ quan thường trực của Hội đồng Phát triển, ứng dụng NLNT quốc gia chủ trì. Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cơ chế chính sách, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng NLNT chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2018; thảo luận về triển vọng, định hướng phát triển trong giai đoạn tới; tăng cường trao đổi thông tin và đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai, đào tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực NLNT phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia Hội thảo có hơn 170 đại biểu gồm các thành viên Hội đồng Phát triển, ứng dụng NLNT quốc gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng NLNT. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA), Viện trưởng Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến Hàn Quốc và một số chuyên gia nước ngoài.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh T.B Tại hội thảo lần này, rất nhiều thành tựu tiêu biểu về việc ứng dụng NLNT phục vụ đời sống đã được trình bày, triển lãm. Đó là những giống lúa siêu năng suất, chất lượng; thiết bị chiếu xạ được nghiên cứu và chế tạo tại Việt Nam...
Trong giai đoạn 2016 - 2018, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường đã đem lại nhiều kết quả quan trọng. Ở lĩnh vực y tế, hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với trên 45 thiết bị xạ hình. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trong khu vực và quốc tế giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh về ung thư, tim mạch, thần kinh tại Việt Nam. Cả nước hiện có gần 40 cơ sở xạ trị (tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn), trong đó có nhiều máy gia tốc xạ trị hiện đại ngang tầm thế giới, góp phần điều trị hiệu quả các loại bệnh ung thư.
Về chuẩn đoán hình ảnh (điện quang), cả nước có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ, 21 máy chụp mạch máu và trên 500 máu X quang cao tần. Vấn đề sản xuất và sử dụng đồng vị, dược chất phóng xạ được đẩy mạnh trong những năm qua, nhất là ở những bệnh viện lớn tại Hà Nội và TPHCM như: Chợ Rẫy, Quân y viện 108, Bạch Mai,…
Một số thành tựu y tế nhờ ứng dụng NLNT hiện nay. Ảnh T.B Trong nông nghiệp, theo đánh giá của IAEA, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã tạo ra trên 68 giống cây trồng bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, trong đó chủ yếu là các giống lúa (48 giống lúa). Điển hình là giống lúa Khang Dân đột biến gieo trồng ở miền Bắc được bán ra trên thị trường hơn 3.500 tấn giống/năm với tổng diện tích gieo trồng đến nay ước đạt hơn 1,5 triệu ha, giúp tăng thu nhập cho 1,5 triệu lượt nông dân/năm; giống lúa DT10 được gieo trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,… có năng suất bình quân đạt từ 5,5 đến 6 tấn/ha.
Đặc biệt, với việc nghiên cứu lập bản đồ gen cây lúa, Việt Nam đã đăng ký bản quyền 2 gen nhạy cảm với nhiệt độ (TGMS-VN1 và TGM-VN6) và bổ sung hàng trăm gen đột biến có giá trị vào ngân hàng gen lúa thế giới. Kỹ thuật đồng vị phóng xạ (Cesium-137 và Beryllium-7) đã được áp dụng trong đánh giá tình trạng xói mòn đất ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, mở ra tiềm năng áp dụng trên diện tích 13 triệu ha đất dốc (chiếm khoảng 40% diện tích canh tác cả nước), giúp tiết kiệm hàng trăm tấn phân bón ni-tơ và phốt-pho với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm…
Một số thành tựu ngành nông nghiệp nhờ ứng dụng NLNT thời gian qua. Ảnh T.B TRẦN BÌNH