Tính lưỡng dụng
Ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (MMDS và KĐSPMM), cho biết tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử, các hoạt động giao dịch điện tử, thanh toán điện tử là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để các ứng dụng giao dịch điện tử phát triển đảm bảo tính vững chắc, tin cậy tránh được sự giả mạo, sửa đổi nội dung thông tin, lộ thông tin, mất dữ liệu... giải pháp an toàn, tiện dụng mang tính toàn diện, hiệu quả nhất, đó là ứng dụng mật mã. Mật mã được xác định là nền tảng, bàn đỡ an toàn cho mọi hoạt động giao dịch điện tử (bảo mật, xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ).
“Hiện nay, hoạt động sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản dưới luật, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử…”, ông Xứng cho biết thêm.
Theo thống kê của đại diện Cục Quản lý MMDS và KĐSPMM, đến nay đã có 41 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh MMDS, với hơn 900 mã SPMM, cùng với đó có 59 giấy phép xuất - nhập khẩu SPMM được cấp phép. Trong thời gian tới, cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về quản lý MMDS, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu kinh doanh chuyển giao công nghệ về MMDS.
Mật mã là sản phẩm có tính lưỡng dụng (để bảo vệ an ninh quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội) được coi như một loại “vũ khí”. Chính sách về MMDS ở nước ta được thực hiện theo hướng “kiểm soát được” nhưng đảm bảo khuyến khích nghiên cứu, phát triển ứng dụng, kinh doanh và sử dụng mật mã (tính đa dạng, thuận lợi, hiệu quả kinh tế..); tránh sử dụng mật mã yếu trong các lĩnh vực có nhu cầu bảo đảm bí mật an toàn thông tin cao; phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, hòa nhập quốc tế, cũng như an ninh toàn cầu…
Còn nhìn một cách gần gũi, theo ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam - VNISA: “Mật mã dân sự mang lại lợi ích cho người sử dụng, đó là lợi ích an toàn thông tin… Đây là điều mà người sử dụng cần yêu cầu khi sử dụng các dịch vụ điện tử”.
Ngân hàng đứng đầu trong ứng dụng
Ứng dụng rõ ràng nhất của MMDS là trong lĩnh vực ngân hàng với chữ ký số. Chữ ký số được xem như một phương tiện hữu hiệu để các ngân hàng tăng cường tính cạnh tranh trong thời đại công nghệ điện tử. Khác với văn bản giấy có chữ ký bằng tay, những văn bản điện tử có thể chuyển theo đường truyền Internet và qua nhiều đơn vị xử lý trong một thời gian rất ngắn. Việc sử dụng chữ ký số và thực hiện những giao dịch điện tử cho phép tiết kiệm thời gian, sức lực và tăng hiệu quả lao động nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý và tính toàn vẹn của dữ liệu cần bảo vệ.
Trong tham luận tại hội thảo của ông Phạm Quốc Trình, Cục CNTT Ngân hàng Nhà nước, cho biết các đơn vị trong ngành ngân hàng hiện nay đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động của mình, điển hình như: Agribank đã sớm triển khai hệ thống chữ ký số riêng tích hợp với hệ thống Corebanking cũng như các giao dịch, dịch vụ nội bộ. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hợp tác với Công ty cổ phần chữ ký số NEWCA, Công ty Cổ phần chữ ký số Vi Na để cung cấp dịch vụ chữ ký số Newtel-CA, Vina-CA (Smart Sign) cho khách hàng, giúp đảm bảo an toàn bảo mật cho các giao dịch. Tại VietinBank, chữ ký số đang được dùng lưu chuyển các văn bản điện tử có mẫu cố định như các biểu mẫu đăng ký, thay đổi dịch vụ nội bộ, yêu cầu đổi mật khẩu, thay đổi thông tin người dùng...
Kết quả khảo sát năm 2017, có 16 ngân hàng đã cung cấp dịch vụ xác thực giao dịch bằng chữ ký số, trong đó có 13 ngân hàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp, 5 ngân hàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân.
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Xứng khẳng định: “Gần đây nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm mật mã, an toàn thông tin ngày càng gia tăng cả về quy mô, số lượng chủng loại. SPMM không chỉ được sử dụng để bảo mật thông tin bí mật của nhà nước mà được sử dụng ngày càng rộng rãi để bảo vệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội”.