Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Thưa ông, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng năm qua công ty vẫn tiếp tục duy trì nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là tập trung các giải pháp để giảm tỷ lệ thất thoát nước, lũy kế đạt 15,36%. Để đạt được kết quả đó, công ty đã có những giải pháp gì?
Ông NGUYỄN VĂN ĐẮNG: Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định phụ trách cấp nước gồm 4 quận với 39 phường. Tổng chiều dài mạng lưới cấp nước 654km. Bên cạnh kết quả tiếp tục giữ vững tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100% trên địa bàn quản lý, năm qua, tỷ lệ thất thoát nước giảm đáng kể cũng là nét son trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Nếu năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước tới 53% thì nay chỉ còn 15,36%, tương đương lượng nước tiết giảm 81.647m3/ngày (ước tiết kiệm 150 tỷ đồng/năm). Tính đến tháng 2-2021, tỷ lệ thất thoát nước thất thu là 13,82%.
Để có được kết quả ấy, chúng tôi triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục mở rộng mô hình phân vùng tách mạng hệ thống cấp nước (DMA) trên địa bàn. Đến cuối năm 2020, công ty đã thiết lập 82 DMA, điều này không chỉ giúp dễ quản lý mạng cấp nước mà giúp nhân viên kịp thời phát hiện nhanh, xử lý tốt các vùng có nước rò rỉ.
Cùng với đó, công ty cũng tiếp tục áp dụng và triển khai quy trình dò tìm và sửa bể. Trong đó, thực hiện tăng áp lực khu vực, đóng van bước, khoanh vùng các tuyến ống có khả năng bể ống, đóng van dồn áp. Đặc biệt, công ty thực hiện kiểm tra rò rỉ bằng thiết bị bút dò bể nhanh (leakpen) kết hợp thiết bị nghe âm thanh trực tiếp, thiết bị dò tìm cáp điện trong sửa bể nhằm đảm bảo an toàn lao động. Với các biện pháp trên, tỷ lệ dò bể đảm bảo chính xác trên 90%.
Công ty cũng đưa vào vận hành trung tâm vận hành mạng lưới, theo dõi và giám sát các hoạt động trên mạng lưới cấp nước. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động giảm thất thoát nước được công ty ưu tiên hàng đầu như nhân rộng mô hình “DMA thông minh”, lắp đặt bổ sung 3 van giảm áp tại các DMA có đủ điều kiện nhằm quản lý tốt áp lực đầu nguồn.
Như vậy, ngoài các ứng dụng khoa học - công nghệ thì yếu tố con người cũng được chuyên môn hóa?
Dĩ nhiên vai trò của con người là không thể thiếu. Suốt những năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên công ty đã không ngừng nỗ lực đồng hành, tìm ra nhiều giải pháp để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước. Song song đó, chúng tôi cũng xây dựng chế độ lương, thưởng gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi của người lao động trong công tác giảm thất thoát nước. Nhờ đó, từng bước thay đổi tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chủ động sáng tạo trong công tác chống thất thoát nước.
Bên cạnh xác định phát triển khoa học - công nghệ, chúng tôi chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi. Theo đề án phát triển khoa học - công nghệ được phê duyệt đến năm 2025, công ty đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học - công nghệ vào công tác quản lý hệ thống, quản lý khách hàng, quản trị tại đơn vị đến vận hành mạng lưới cấp nước. Công ty cũng chuẩn hóa quy trình, xây dựng đội ngũ nhân lực để đáp ứng công tác vận hành, phục vụ khách hàng.
Tinh gọn bộ máy, chủ động vận hành
Thưa ông, chỉ tiêu giảm thất thoát nước như trên đã đạt được như kỳ vọng của công ty? Trong thời gian tới, công ty đặt chỉ tiêu cho vấn đề này ra sao?
Tỷ lệ nước thất thoát mặc dù có giảm qua từng năm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Trong khi đó, việc xin cấp phép đào đường còn phải qua nhiều mẫu, nhiều bước và thời gian xin cấp giấy còn bị động, dẫn đến việc thi công công trình kéo dài, phần nào góp phần làm tăng nguy cơ thất thoát nước. Dẫu vậy, năm 2021, chúng tôi vẫn xác định giảm tỷ lệ thất thoát nước là một trong những mục tiêu trọng tâm. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát nước bình quân mức 15,5%, tiến tới giảm sâu tỷ lệ thất thoát nước kinh tế còn 13,32% giai đoạn 2022-2030.
Để đạt được mục tiêu trên, công ty có kế hoạch cụ thể như thế nào?
Ngay từ đầu năm 2021, ban giám đốc công ty đã chỉ đạo xây dựng nhiều kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động. Để kéo giảm tình trạng thất thoát nước, chúng tôi xác định phải tập trung cải tạo các DMA trọng điểm có tỷ lệ thất thoát nước cao, triển khai kế hoạch chi tiết giảm thất thoát nước cho các DMA.
Công ty xây dựng chiến lược giảm nước theo nhóm DMA tương ứng với tỷ lệ thất thoát nước mức cao, mức trung bình và mức duy trì. Công ty sẽ tập trung đánh giá, rà soát, chia nhỏ DMA có tỷ lệ thất thoát nước cao để thuận lợi cho công tác quản lý và áp dụng triệt để các giải pháp giảm thất thoát nước. Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác giám sát mạng lưới, đảm bảo công tác thi công các công trình đúng kỹ thuật, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xâm hại đến hệ thống cấp nước. Phối hợp với các ban ngành chức năng xử lý các khách hàng gian lận nước.
Như ông chia sẻ, công ty luôn ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động giảm thất thoát nước. Năm 2021, công ty sẽ triển khai ứng dụng những gì?
Thời gian tới, chúng tôi vẫn ưu tiên nhân rộng mô hình “DMA thông minh”. Cụ thể, công ty sẽ triển khai thay thế đồng hồ nước đọc số truyền thống bằng đồng hồ nước thông minh truyền tín hiệu từ xa; lắp đặt van điều áp để quản lý áp lực DMA. Công ty tiếp tục hoàn thiện hệ thống SCADA lắp đặt bộ truyền dữ liệu các vị trí bất lợi trong DMA và vị trí cuối tuyến trên các DMA đang vận hành; đưa vào khai thác Trung tâm vận hành mạng lưới cấp nước (NOC).
Đây được xem là những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng mô hình cấp nước thông minh, hưởng ứng chủ trương xây dựng đô thị thông minh mà UBND TPHCM đang triển khai thực hiện. Hiệu quả chính của NOC là góp phần nâng cao năng lực quản lý mạng lưới cấp nước, tăng khả năng giám sát và theo dõi tình trạng hoạt động mạng lưới cấp nước theo thời gian thực qua hơn 100 thiết bị quan trắc được lắp đặt trên địa bàn.
Với phương châm hoạt động “tinh gọn bộ máy, kiểm soát chi phí, chủ động vận hành”, hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng 4.0 đã giúp Cấp nước Gia Định làm được nhiều việc hơn với nguồn tài nguyên ít hơn và chi phí thấp nhất.