Ứng dụng khoa học - công nghệ vào truy vết

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu Bộ KH-CN khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để thúc đẩy các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, đang được thử nghiệm, bởi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều 2-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có buổi họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì tại điểm cầu Chính phủ. Điểm cầu TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cùng đại diện các sở ngành.

Ngăn dịch lan từ cụm công nghiệp sang KCN

Đối với Bắc Ninh, ban chỉ đạo yêu cầu tỉnh này tập trung ngăn chặn, không để dịch lan từ cụm công nghiệp sang khu công nghiệp (KCN); đồng thời phải xem xét rất kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân tại sao ổ dịch ở một số xã của huyện Thuận Thành kéo dài cả tháng. Điều đó chứng tỏ, các quy định giãn cách xã hội không được thực hiện nghiêm trong khu cách ly, phong tỏa. 

Trong khi đó, ban chỉ đạo đánh giá tỉnh Bắc Giang đang đi đúng hướng trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Giang cần tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng; đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn. Ở những “điểm nóng” là khu cách ly, phong tỏa tập trung nhiều công nhân, có nhiều ca nhiễm như thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) cần tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi những nơi này. 

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ KH-CN khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để thúc đẩy các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, đang được thử nghiệm, bởi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém.

Nguy cơ lây nhiễm còn cao

Báo cáo tại buổi họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, ổ dịch ở Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện từ ngày 26-5, lúc đầu khai có 22 người sinh hoạt nhưng thực tế đến 55 người. Từ 3 trường hợp chỉ điểm, tiếp tục truy vết có 40 người dương tính chiếm tỉ lệ 70%.

Liên quan đến ổ dịch này, TP đã triển khai quyết liệt, lấy toàn bộ xét nghiệm các F1, F2 nghi ngờ và mở rộng lấy mẫu tầm soát ra khu phố và các điểm bầu cử. Ngoài ra, TPHCM cũng mở rộng lấy mẫu xét nghiệm ra KCN, khu chế xuất (KCX), Khu Công nghệ cao, trước mắt là khu cung ứng, nơi sản xuất chuỗi linh kiện điện tử với 25.000 mẫu, dần dần sẽ mở rộng ra 280.000 công nhân trên địa bàn TPHCM. 

Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, số ca mắc đã xuất hiện tại 20/22 quận, huyện. Với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan là rất cao. Do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc nhiều, có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận. Hiện TPHCM đã tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 và tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người bệnh...; chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt 3 từ ngày 3-6.

Tránh tình trạng khi có tình huống lại trở tay không kịp

Sau khi nghe báo cáo của TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo, nhấn mạnh, là đô thị lớn nên TPHCM phải tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm; truy vết các ca trong chuỗi lây nhiễm, kêu gọi người dân có triệu chứng nghi nhiễm chủ động đến các cơ sở y tế hoặc thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng phòng chống dịch. Các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động tầm soát, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ.

TPHCM triển khai sử dụng “Tổng đài gọi điện tự động” thăm hỏi sức khỏe tới từng người dân, nếu phát hiện cá nhân nghi bệnh, sẽ hỗ trợ y tế kịp thời. TPHCM cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công nhân trong các KCN, KCX, tránh tình trạng “khi có tình huống lại trở tay không kịp”; hướng dẫn thí điểm để công nhân KCN tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong KCN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý lãnh đạo TPHCM, việc tổ chức khoanh vùng, cách ly y tế phải thực hiện chặt chẽ, khoa học, tránh lây nhiễm chéo, nếu xuất hiện tình huống dịch bùng phát trong KCN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, TPHCM chấp hành chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sẽ tổ chức phối hợp thực hiện. TPHCM đang hoàn thiện danh sách các công nhân quản lý tại các KCN, KCX, yêu cầu bổ sung đầy đủ các thông tin liên lạc gồm số điện thoại, địa chỉ tạm trú, tạo nguồn dữ liệu khai thác dịch tễ khi cần.

Tối 2-6, ban chỉ đạo quốc gia cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 241 ca mắc Covid-19, trong đó có 12 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 229 ca trong nước, Bắc Giang (157 ca), Bắc Ninh (31), TPHCM (31), Hà Nội (8 ca)…

Tính đến tối cùng ngày, Việt Nam có 6.294 ca mắc Covid-19 trong nước và 1.519 ca nhập cảnh. Từ ngày 27-4 tới nay, có 4.724 ca mắc. Cả nước có thêm 41 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số người khỏi bệnh lên 3.085. Cả nước có 49 ca tử vong.

Tin cùng chuyên mục