Bảo tồn, phát triển sâm quý
Sáng 21-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Hội nghị xoay quanh các vấn đề: nhìn nhận thực trạng phát triển; tình hình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển dược liệu; vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu; trao đổi, chia sẻ một số giải pháp công nghệ chế biến dược liệu; ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ; các giải pháp thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp, xã hội để phát triển dược liệu của vùng…
Sâm Ngọc Linh là cây thảo dược quý đặc hữu của Việt Nam. Trong thân rễ Sâm Ngọc Linh có chứa tới 52 thành phần hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất mới, hàm lượng saponin tổng số cao gấp 3 lần so với sâm Hàn Quốc. Theo các nghiên cứu, về mặt dược lý, sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng tương tự nhân sâm như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương, bảo vệ gan, hoạt tính androgen, kích thích miễn dịch, cải thiện trí nhớ, hạ đường huyết,… Majonosid-R2 cũng đã được chứng minh có tác động chống stress, chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống oxi hóa và chống khối u. Do đó, sâm Ngọc Linh được nhiều người săn lùng, tìm kiếm, mua bán và sử dụng. |
Để đáp ứng nhu cầu thực tế và thách thức đặt ra góp phần tăng cường giữ vững sinh kế và xây dựng thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tiến hành một số nội dung nghiên cứu dựa trên chuỗi giá trị của dược liệu sâm Ngọc Linh từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết xuất và bào chế sản phẩm với một số các dự án được triển khai.
Về hoạt động nghiên cứu, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ chú trọng đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn theo các giai đoạn. Giai đoạn 2019 đến nay, Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu một số giải pháp khoa học nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc phá ngủ nghỉ hạt, tăng tỷ lệ nảy mầm, kiểm soát rủi do và rút ngắn quá trình gieo ươm.
Trong giai đoạn tiếp theo Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ của sản phẩm quốc gia "Sâm Việt Nam" đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ngày 28-12-2018. Trong đó, Trung tâm được giao chủ trì dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phát triển dược liệu Sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum” và phối hợp thực hiện dự án “Nghiên cứu kiểm định chất lượng, tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm dinh dưỡng cây trồng, bảo vệ thực vật chuyên dụng cho Sâm Ngọc Linh”.
Chưa tưng xứng tiềm năng
Phát biểu của Thạc sĩ Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) cho biết, trong hai dự án được Bộ KH-CN giao thực hiện, Trung tâm chú trọng tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống in-vitro Sâm Ngọc Linh qui mô ≥100.000 cây/năm phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh Kon Tum; hoàn thiện quy trình và sản xuất thử nghiệm Sâm Ngọc Linh chế biến và sản phẩm kích thích miễn dịch, bảo vệ gan từ Sâm Ngọc Linh chế biến dưới dạng cốm, viên nang mềm; nghiên cứu tuyển chọn giống Sâm Ngọc Linh cho năng suất, chất lượng cao và ổn định phục vụ nhân giống để sản xuất Sâm Ngọc Linh ở quy mô hàng hoá; nghiên cứu giải trình tự hệ gen nhân (nuclear genome) của Sâm Ngọc Linh làm cơ sở lập bản đồ di truyền phục vụ công tác chọn tạo giống.