Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Khoa học - công nghệ (KH-CN) của ngành cá tra đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng giúp ngành cá tra vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua.
Việc ứng dụng KH-CN đã được áp dụng từ khâu sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, việc ứng dụng KH-CN trong ngành hàng cá tra chưa chuyên sâu, đồng bộ, khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra hiện còn thiếu tính bền vững, không ổn định. Do đó cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP; mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới...
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện các sở, viện, trường trình bày báo cáo chuyên đề liên quan đến ngành hàng cá tra như kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng cá tra; tăng cường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa; hiện trạng sản xuất và chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; thực trạng chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cá tra, định hướng và giải pháp…
Đồng thời, các đại biểu đã ký kết bản ghi nhớ của nhóm công tác ngành hàng cá tra thuộc Nhóm Đối tác công tác Công tư (PPP) ngành Thủy sản.