Để thúc đẩy ngành nông nghiệp có bước phát triển mới, cùng với việc tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu của khoa học - công nghệ (KH-CN), kỹ thuật mới.
Bước tiến về cả lượng và chất
Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 3,86% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 17 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Theo Bộ NN-PTNT, các kết quả nêu trên của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH-CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường…
Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong những năm vừa qua, mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo đã giảm xuống dưới 10%...). Cùng với đó, mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm đạt khoảng 94% (tăng 1% so với năm 2017; ĐBSCL đạt 98%); khâu gieo, cấy lúa bằng công cụ sạ hàng và cấy đạt 42%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (lúa, mía, chè) đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp là 2% so với năm 2017. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng trong năm 2018, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt heo, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Sự tham gia vào sản xuất nông nghiệp của một loạt doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua, hay sự canh tác, nuôi trồng một số giống cây con đặc chủng để xuất khẩu đi những thị trường đặc thù là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam có những thay đổi thực sự về chất.
Từ quả vải thiều đến những chính sách vĩ mô
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang hiện nay đã có 71 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 163 cánh đồng mẫu, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 48.300ha; nhiều mô hình có quy mô lớn với hàng chục hécta (rau chế biến, rau an toàn đạt 6.880ha, cam đạt 4.104ha, bưởi đạt 3.819ha…) tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Với 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận và hàng năm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhờ ứng dụng KH-CN. Riêng sản phẩm vải thiều với diện tích gần 29.000ha, năm 2017 cho thu nhập 5.300 tỷ đồng, năm 2018 cho thu nhập 5.800 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nhất về hiệu quả ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp.
Sau khi được tăng cường ứng dụng KH-CN, diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang tăng từ 1.000ha lên đến 13.500ha, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 218,5ha, được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất. Quá trình sản xuất vải thiều đã được ứng dụng các tiến bộ KH-CN nên chất lượng vải được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đã triển khai ứng dụng các công nghệ cao trong bảo quản nông sản như: công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ bảo quản của Công ty Jural của Israel, công nghệ bảo quản bằng màng MAP... qua đó đã tăng được thời gian lưu giữ các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc. Đến nay, sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu hơn 30 nước trên thế giới; được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và được bảo hộ tại 9 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia).
Đánh giá về những kết quả, đóng góp của KH-CN đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kết quả tăng trưởng này chính là từ những sự tích lũy, nỗ lực trong khoảng thời gian dài chúng ta quyết tâm đưa những thành tựu KH-CN vào quá trình sản xuất. “Thời gian tới, tôi mong Bộ KH-CN tiếp tục có các phương án hoàn thiện thể chế KH-CN. Trong đó, tập trung đặc biệt vào xây dựng, hoàn thiện phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt cho ngành nông nghiệp, yếu tố để hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh với nước ngoài. Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị.