Tranh thủ nâng giá
Theo phản ánh của nhiều hành khách, từ khi không còn ứng dụng gọi xe Uber, giá cước của Grab đã tăng, đặc biệt là trong giờ cao điểm, dịp lễ tết hoặc những ngày thời tiết xấu.
Chị Thanh Hằng (ở T11, Times City, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết chị sử dụng Grab hàng ngày để đi làm. Hãng này đã không còn khuyến mãi cho khách hàng nhiều như trước, kèm với đó là giá cước tăng khoảng 10%-20%, thậm chí vào giờ cao điểm tăng 50%-80%. Chưa kể, khung giờ cao điểm cũng bị kéo dài hơn, trước đây chỉ đến 8 giờ sáng, giờ là 9 giờ sáng. Nhiều hành khách cũng chia sẻ giá cước của Grab nhiều khi tăng cao cả vào những giờ không cao điểm, nhất là ở những địa bàn có ít xe.
Về phía tài xế, nhiều người cũng kêu ca về mức chiết khấu quá cao, với tài xế cũ thì được chiết khấu dưới 20%, còn tài xế mới phải chịu chiết khấu hơn 28%. Với phần mềm quản lý chặt chẽ, hãng này cũng được cho là “làm xiếc” với tài xế để giảm số tiền trả thưởng. Hãng đưa ra những điều kiện hoặc điều tiết xe theo hướng lái xe rất khó đạt được doanh số thưởng. Ví dụ, người hay chạy đêm thì thưởng cho cuốc chạy ngày, người hay làm ngày lại thưởng cho cuốc chạy đêm…
Một số tài xế phản ánh thời gian chạy xe đang tăng lên mà doanh thu thì giảm hẳn so với thời gian trước. Đặc biệt, những tài xế bị áp lực trả nợ ngân hàng tiền mua xe đang phải “nai lưng” cày cuốc, thời gian chạy xe lên tới 10-12 giờ/ngày để đủ doanh số đạt thưởng.
Không tận dụng được cơ hội
Những bức xúc đối với Grab của cả tài xế và hành khách tưởng như sẽ là cơ hội tốt cho các ứng dụng gọi xe Việt, nhưng thực tế lại cho thấy, các ứng dụng phần mềm gọi xe Việt cũng đang chật vật trong cuộc cạnh tranh. Lý do đầu tiên là các doanh nghiệp trong nước không thể đầu tư mạnh vào việc quảng cáo, truyền thông để ứng dụng được nhiều người biết tới như doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các ứng dụng cũng không có khuyến mãi ồ ạt để thu hút đối tác và hành khách trong giai đoạn đầu. Nhiều ứng dụng gọi xe Việt chưa thể đáp ứng được nhu cầu của hành khách khi thường xuyên gọi không có xe, chờ xe quá lâu.
Nhiều hành khách cho biết, ở một số khu vực khó gọi được xe từ VATO - một ứng dụng gọi xe được hãng Phương Trang đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng với kỳ vọng cạnh tranh với Grab.
Tương tự, phần mềm T.net, Xelo có lúc gọi được có lúc không, dù giá cước rẻ và ổn định, hấp dẫn khách hàng. Để thu hút tài xế, nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng miễn chiết khấu cho tài xế trong thời gian đầu, cam kết chiết khấu không quá 15% ở năm tiếp theo, tuy nhiên, do lượng khách quá ít, các tài xế đều không mặn mà gắn bó.
Nhiều tài xế cũng phàn nàn chính sách của các doanh nghiệp Việt không ổn định, chưa có sự quan tâm và tạo điều kiện cho tài xế một cách hiệu quả trong thời gian đầu, khi doanh thu còn thấp. Khi doanh thu nhích tăng đã vội vã tăng chiết khấu khiến các tài xế cảm thấy không tin tưởng, không minh bạch.
Cuối năm 2017, Grab đã gọi vốn được 2 tỷ USD để phục vụ cho thị trường Đông Nam Á. Tiếp đến, vào tháng 5, Toyota đã rót vốn 1 tỷ USD cho Grab. Trong khi đó, đến thời điểm này, hầu như chưa có ứng dụng gọi xe Việt nào công bố gọi được lượng vốn đầu tư đáng kể để vận hành, kinh doanh mà chủ yếu sử dụng nguồn lực tự có để cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), cơ hội cho các phần mềm ứng dụng gọi xe là như nhau, bởi người tiêu dùng không nhất thiết phải chung thủy với một nhà cung cấp nào, họ chỉ cần dịch vụ tốt, giá rẻ. Thị trường càng nhiều cạnh tranh, người dân càng được hưởng lợi. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt phải sớm nhận ra những hạn chế của mình để khắc phục. Trước hết, phải quan tâm để thu hút đối tác là tài xế để có đủ xe cung cấp cho thị trường, sau đó phải có giá cước hấp dẫn với hành khách, khắc phục được tình trạng có xe thì không có khách, có khách lại không đủ xe.