Ajeng chia sẻ: “Trên chuyến tàu trở về, tôi nghĩ nếu không dựa vào âm thanh thì người khiếm thính làm sao đi tàu an toàn. Ví dụ, các chuyến tàu ở ga Manggarai, Nam Jakarta có thể tạm dừng trong 10 phút, trong khi ở các ga khác, chênh lệch có thể là 3-5 phút”.
Sau đó, Ajeng kết hợp với sinh viên khoa máy tính Nandhika Prayoga và cố vấn Fikri Akbarsyah Anza, giảng viên tại FIA, nghiên cứu ứng dụng có các tính năng hỗ trợ, bổ sung ngôn ngữ ký hiệu và trò chuyện trực tiếp để tạo điều kiện cho người dùng giao tiếp với nhau trong khi đi tàu. Nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi nồng nhiệt trong một cuộc khảo sát sơ bộ được thực hiện trên 83 người đi tàu, bao gồm những người khiếm thính và không khiếm thính. Ứng dụng này được đặt tên là Muter.
Theo video của nhóm nghiên cứu trên YouTube, Muter có các tính năng rung, trò chuyện, tin tức và nội dung video hoạt hình BISINDO (ngôn ngữ ký hiệu Indonesia). Đối với tính năng rung, người dùng có thể tùy chỉnh thông báo dựa trên khoảng cách đến các ga tàu dự định của họ.
Trong BISINDO, người dùng có thể nhận được thông tin về hệ thống và các quy định liên quan đến các chuyến tàu đi lại của Jakarta (KRL). Tính năng tương tự cũng cho phép giao tiếp giữa người khiếm thính và người không khiếm thính thông qua hình ảnh hóa các cụm từ và từ trong ngôn ngữ ký hiệu.