Không xa lạ
GIS được thiết kế như một hệ thống chung để quản lý dữ liệu không gian, có rất nhiều ứng dụng trong việc phát triển đô thị và môi trường tự nhiên như: quy hoạch đô thị, quản lý nhân lực, nông nghiệp, điều hành hệ thống công ích, lộ trình, nhân khẩu, bản đồ, giám sát vùng biển, cứu hỏa và phòng chống dịch. Trong phần lớn các lĩnh vực này, GIS đóng vai trò công cụ hỗ trợ quyết định cho việc lập kế hoạch hoạt động…
Tại Việt Nam, công nghệ GIS được thí điểm khá sớm và sử dụng phổ biến để quản lý nhiều lĩnh vực. Từ năm 1995, Bộ KH-CN đã thành lập dự án Hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, tạo điều kiện cho nhiều cơ quan trong cả nước tiếp cận với GIS.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, GIS giúp con người giám sát thu hoạch, quản lý sử dụng đất, dự báo hàng hóa, nghiên cứu về đất trồng, kế hoạch tưới tiêu, kiểm tra nguồn nước. Trong lĩnh vực tài chính, GIS là công cụ đánh giá rủi ro và mục đích bảo hiểm, xác định với độ chính xác cao hơn những khu vực có độ rủi ro lớn nhất hay thấp nhất. Lĩnh vực này đòi hỏi những dữ liệu cơ sở khác nhau, như tổng hợp hình thức vi phạm pháp luật, địa chất học, thời tiết và giá trị tài sản.
đang được Công ty Mapdas ứng dụng
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từ cuối những năm 1980, GIS đã được giới thiệu vào lĩnh vực giám sát tài nguyên môi trường thông qua dự án hợp tác quốc tế.
Trong công tác quy hoạch xây dựng, thời gian gần đây công nghệ GIS được áp dụng tại một số đơn vị trong ngành quy hoạch xây dựng và cơ quan quản lý địa phương như: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội… và nhiều cơ quan khác.
Riêng với quản lý các cơ quan chính quyền, GIS là một trong những lĩnh vực ứng dụng rộng lớn nhất, bởi đây là một tổ chức sử dụng dữ liệu không gian nhiều nhất. GIS có thể được sử dụng trong việc tìm kiếm và quản lý thửa đất, thay thế cho hồ sơ giấy tờ hiện hành. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể sử dụng GIS trong việc kiểm tra, giám sát bảo dưỡng nhà cửa và đường giao thông và còn được sử dụng trong các trung tâm điều khiển và quản lý các tình huống khẩn cấp.
Ứng dụng rộng rãi
Tại TPHCM, thời gian gần đây, các ứng dụng GIS được chú trọng nhiều hơn. Với chủ đề “Hướng tới đô thị thông minh”, hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2018 diễn ra gần cuối năm 2018 đã trở thành sự kiện mà các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng GIS, cũng như sự hợp tác và phát triển các khoa học liên quan đến GIS trong thời gian tới.
Theo PGS-TS Phạm Việt Hòa, Viện trưởng Viện Địa lý tài nguyên TPHCM, việc nghiên cứu khai thác các loại hình công nghệ liên quan đến sự phân bố không gian và biến động theo thời gian (GIS) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh và bền vững.
Thực tế, GIS đang được ứng dụng ngày càng nhiều và hiệu quả trong các ứng dụng hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, có thể kể tới bộ nền tảng thông tin địa lý với hơn 60 lớp dữ liệu HCMGIS, ứng dụng bản đồ du lịch tại các quận huyện...
Song song đó là hàng chục ứng dụng GIS khác như hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm, hệ thống quản lý vùng sản xuất rau trên địa bàn TPHCM, hệ thống quản lý lâm sản và động vật hoang dã, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương, ứng dụng phục vụ công tác giám sát chất lượng nước và môi trường cho Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, ứng dụng quản lý hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM.
Để kết nối tốt hơn, TPHCM đã xây dựng Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal cung cấp nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, tài liệu và bản đồ trong HCMGIS.
Nhà cung cấp dữ liệu có thể tải dữ liệu lên hệ thống, nhập thông tin và biên tập hiển thị dữ liệu. Song song đó, người dùng có thể linh hoạt khai thác dữ liệu, xem dữ liệu, chồng lớp dữ liệu để biên tập và chia sẻ các bản đồ, tải dữ liệu từ hệ thống với nhiều định dạng khác nhau.
Hơn nữa, với mong muốn thành lập cộng đồng GIS nhằm thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc ứng dụng GIS bằng các giải pháp mới, Sở KH-CN TPHCM còn có chương trình hỗ trợ chuyên gia tư vấn và tài chính để các đơn vị này có điều kiện triển khai ứng dụng GIS. S
ở cũng có chính sách hỗ trợ các đơn vị xây dựng mô hình triển khai thông qua các đề tài nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu khoa học… Trong tương lai, GIS sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống và không còn là chuyện xa lạ.