Ngày 23-5, Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp Huyện Đoàn huyện Nhà Bè và Câu lạc bộ Cán bộ trẻ huyện Nhà Bè tổ chức diễn đàn kết nối công chức trẻ với chủ đề “Cải cách hành chính (CCHC) - Lắng nghe và hành động”.
Quang cảnh diễn đàn |
Hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ
Chia sẻ tại diễn đàn, anh Lê Hữu Tâm (Đoàn Cơ quan chính quyền UBND huyện Nhà Bè) cho biết, việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện tại huyện Nhà Bè hiện nay chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên do là khoảng cách người dân di chuyển từ nhà đến UBND huyện và UBND các xã, thị trấn gần, phương tiện lưu thông dễ dàng nên việc thực hiện các giao dịch về thủ tục hành chính thuận tiện. Ngoài ra, khi thực hiện dịch vụ bưu chính cũng tốn phí nên người dân không quan tâm nhiều. Do đó, anh Lê Hữu Tâm kiến nghị thành phố xem xét miễn phí hoặc có chính sách ưu đãi hơn khi người dân thực hiện thủ tục hành chính qua bưu điện để khuyến khích người dân thực hiện.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ sở dữ liệu thông tin trên hệ thống chưa đồng bộ, đầy đủ, dẫn đến khó khăn và chậm trễ trong quá trình thực hiện.
Theo chị Phan Hoàng Vân Anh (Đoàn xã Phú Xuân), từ khi loại bỏ hộ khẩu giấy và chuyển sang xử lý giấy tờ, giải quyết các thủ tục hành chính thông qua phần mềm có nhiều khó khăn, bất cập. Thông tin dữ liệu trên hệ thống chưa đầy đủ và đồng bộ với nhau, dẫn đến việc khó khăn và chậm trễ trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM báo cáo đề dẫn |
“Đơn cử về việc hệ thống chưa cập nhật thông tin lịch sử hôn nhân của người dân ở các tỉnh thành. Người dân đến UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn, nếu là người của các tỉnh, địa phương khác, UBND xã phải gửi văn bản về địa phương nơi người dân đã sinh sống để xác nhận. Thời gian chờ xác nhận là 20 ngày nhưng nếu qua 20 ngày, địa phương đó chưa phản hồi thì UBND xã phải mời người dân ký cam kết và cho phép làm kết hôn, dẫn đến việc nếu người dân cố tình khai gian dối thì sẽ có người kết hôn nhiều lần”, chị Phan Hoàng Vân Anh dẫn chứng.
Chị Vân Anh kiến nghị hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia phải cập nhật thêm các thông tin liên quan đến hộ tịch, hôn nhân của người dân để thuận lợi hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn, hiện có rất nhiều phần mềm hay ứng dụng điện thoại giải quyết các thủ tục hành chính, như cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công TPHCM, VNeID, 1022. Ngoài ra các địa phương, đơn vị cũng có kênh riêng. Chẳng hạn, tại huyện Nhà Bè có Nhà Bè trực tuyến, Nhà Bè trực tuyến công chức… Dù nhu cầu của người dân cao, song việc phải cài đặt và sử dụng quá nhiều ứng dụng là chưa hợp lý. Các đại biểu kiến nghị nên thống nhất 1 ứng dụng duy nhất, phát triển và tích hợp đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực, nội dung, tránh tình trạng người dân không biết sử dụng ứng dụng nào. Việc thống nhất trên cũng giúp cán bộ, công chức thuận tiện trong việc xử lý nhiệm vụ.
Xây dựng lực lượng làm công tác CCHC chuyên nghiệp
Chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, công chức huyện Nhà Bè trong thực hiện CCHC, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Hiền cho biết, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác CCHC (công chức thực hiện công tác CCHC) nói riêng. Nhiều công chức thực hiện công tác CCHC thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Cán bộ, công chức trẻ huyện Nhà Bè nêu ý kiến tại diễn đàn |
Dù vậy, thực tế đội ngũ công chức thực hiện công tác CCHC vẫn còn thiếu sự gắn kết trong phối hợp thực hiện công tác CCHC giữa các ngành với nhau, giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan. Chất lượng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác CCHC chưa đột phá, sáng tạo.
Đa số công chức thực hiện công tác CCHC làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có vị trí việc làm cụ thể tại các sở, ngành UBND các cấp. Do đó, trình độ chuyên môn của công chức thực hiện công tác CCHC chưa thật sự đồng đều, chưa đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm tương ứng. Một số công chức còn chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ CCHC do công tác luân chuyển, phân công công tác.
Đồng thời, do là nhiệm vụ kiêm nhiệm, nên chưa có chế độ riêng về phụ cấp lương, khen thưởng, ưu tiên đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Đội ngũ công chức thực hiện công tác CCHC thường xuyên biến động, thay đổi; chưa có cơ chế, chính sách riêng thu hút được trí thức trẻ và người có trình độ cao, các chuyên gia tham gia làm công tác CCHC
Trước những vấn đề nêu trên, chị Châu Minh Hiền thông tin, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định về phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC ở các sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2022 – 2025 với 15 nhiệm vụ cụ thể. Sau khi được UBND TPHCM ban hành, Sở Nội vụ sẽ triển khai tổ chức chuỗi các lớp bồi dưỡng, tập huấn với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng để xây dựng cho thành phố một lực lượng CCHC chuẩn mực, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vì nhân dân phục vụ.
Theo Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM Nguyễn Đăng Khoa, thời gian qua, huyện Nhà Bè đã quan tâm xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo CCHC trên địa bàn; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa có sự cải thiện so với năm trước. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao; việc phát động phong trào thi đua và nhân rộng mô hình, giải pháp về CCHC trên địa bàn cần được quan tâm hơn nữa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.