Dễ thực hiện
Tại TPHCM, Công an quận 4 và quận Tân Phú là 2 đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT để giảm việc đi lại cho người dân. Cụ thể, Công an quận 4 cho phép người dân thực hiện kê khai, đặt lịch nộp hồ sơ ngay tại nhà qua tài khoản Zalo. Sau khi quan tâm tài khoản “Công an quận 4” người dân có thể kê khai hồ sơ trực tuyến tại chức năng “Thủ tục”, sau đó đặt lịch lên cơ quan công an để chụp ảnh, lấy vân tay, nộp lệ phí.
Trong khi đó, tài khoản Zalo “Công an quận Tân Phú - TPHCM” vừa triển khai thêm 2 tính năng mới gồm “Bấm số tự động làm CCCD” và “Hỏi đáp CCCD”. Theo đó, người dân khi có thắc mắc về thủ tục CCCD như đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp CCCD gắn chip điện tử, những hồ sơ cần chuẩn bị, thời gian làm việc, địa điểm cấp, lệ phí… đều được tài khoản Zalo tự động giải đáp. Đặc biệt, người dân có nhu cầu làm CCCD có thể sử dụng tính năng “Bấm số tự động” để lấy số ngay tại nhà, sau đó chỉ cần lên trụ sở theo lịch hẹn để tránh mất thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng Công an quận Tân Phú, chia sẻ: “Nhận thấy người dân thường xuyên tương tác với trang Zalo Công an quận nên ban chỉ huy quyết định triển khai thêm tiện ích nhằm phục vụ cho người dân, đặc biệt trong thực hiện cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử”.
Tương tự các đơn vị trên, trang Zalo “Công an thành phố Buôn Ma Thuột” tích hợp 2 tính năng dành riêng cho thủ tục cấp CCCD có gắn chip là “Thông báo cấp CCCD” và “Giải đáp về CCCD”. Người dân chỉ cần chọn thông tin muốn tìm hiểu, trang Zalo sẽ tự động trả về kết quả tương ứng. Các thông tin được lực lượng công an cung cấp đầy đủ, chi tiết và cụ thể như triển khai tăng ca cấp CCCD lưu động, lịch cấp căn cước, thời gian, địa điểm, hồ sơ cấp CCCD.
Ngay như tại Hải Dương, dịch Covid-19 đã khiến tỉnh này gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai cấp CCCD có gắn chip. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành, Công an Hải Dương đã sử dụng Zalo cập nhật thông tin, hướng dẫn địa điểm, trình tự làm thủ tục CCCD tại tài khoản chính thức của công an tỉnh - là một cách ứng dụng CNTT đáng ghi nhận.
Nền tảng của CCCD gắn chip điện tử
Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Công an (trực tiếp là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06) đã lựa chọn nhà thầu liên danh VNPT-HADIC-GTEL ICT để thiết kế và xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC); liên danh GTEL ICT - Tecapro - Egov và liên danh Công ty CP Tập đoàn MK nhằm xây dựng, vận hành Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Với nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, chống lãng phí”, 2 hệ thống được thiết kế tập trung bao gồm trung tâm dữ liệu chính đặt tại Hà Nội và trung tâm dữ liệu dự phòng đặt tại TPHCM.
Thiết kế chi tiết 2 hệ thống được phê duyệt trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh trắc học đảm bảo tính truy nguyên. Trong đó, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã được thiết kế, xây dựng theo mô hình dùng chung, kế thừa, đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống CSDLQGVDC. Hai hệ thống đáp ứng an ninh an toàn thông tin cấp độ 4 đối với thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Chính phủ và áp dụng giải pháp xác thực, ký số toàn vẹn dữ liệu, bảo mật kênh truyền.
Theo Bộ Công an, so với thẻ CCCD mã vạch thì thẻ CCCD gắn chip điện tử có thể tích hợp thêm nhiều thông tin như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… Thẻ CCCD gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, sinh trắc học, mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ; chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chip sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, dữ liệu trên chip có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp việc xác thực danh tính được thực hiện lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính. Với sự tiện lợi, xuất phát từ chủ trương lớn của Nhà nước tiến đến quản lý, khai thác thông tin trên nền tảng công nghệ để phát triển xã hội thì việc làm CCCD gắn chip điện tử là tất yếu.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C06, cho biết, dự án CSDLQGVDC và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Vận hành và khai thác có hiệu quả Hệ thống CDSLQGVDC; Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD với các giải pháp CNTT đã và đang được triển khai thời gian qua, không chỉ làm giàu thêm hệ sinh thái chính phủ điện tử mà còn góp phần kiến tạo chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ nhân dân. |